Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư về quy định cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay mua nhà dự kiến là 6%/năm trong vòng 3 năm.
Doanh nghiệp được vay vốn là những doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà xã hội, các dự án nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Theo giới kinh doanh địa ốc, đây là một giải pháp quan trọng cho thị trường bất động sản, tuy nhiên quy định này chỉ có ý nghĩa với các dự án mới, còn với dự án cũ không có nhiều tác động.
Ngay sau khi Dự thảo Thông tư được công bố, ngày 14/3, UBND TP. HCM đã có cuộc họp với các ban, ngành về tình hình thực hiện và xử lý hàng tồn kho đối với các dự án phát triển nhà ở theo Nghị quyết 02.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 14.490 căn hộ tồn kho, với trị giá khoảng hơn 24.500 tỷ đồng. Trong đó có 2.300 căn hộ đã hoàn thành và hơn 12.000 căn hộ dở dang.
Đa số căn hộ tồn kho có diện tích lớn, với gần 70% căn hộ có diện tích từ 60 - 90 m2 và hơn 23% căn hộ có diện tích trên 90 m2, với giá bán trung bình từ 16 - 25 triệu đồng/m2. Đây là mức giá không phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đa số người dân.
Từ thực tế này, để giúp các doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, Sở Xây dựng đề xuất cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà xã hội nếu chủ đầu tư có nhu cầu.
Đối với các dự án nhà ở thương mại đã đầu tư xây dựng hoàn thành, có diện tích dưới 70 m2/căn hộ sẽ được Sở Xây dựng cho phép chuyển đổi khi đáp ứng các điều kiện về giá bán, giá thuê. Trong đó, giá bán, giá thuê sẽ được xác định theo nguyên tắc bao gồm các chi phí đầu tư xây dựng (không tính tiền sử dụng đất) cộng với lãi vay và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 5% tổng chi phí đầu tư.
Giá bán cho căn hộ với diện tích này là dưới 12 triệu đồng/m2. Nhà nước sẽ không sử dụng ngân sách để mua lại quỹ nhà, mà nhà đầu tư trực tiếp ký hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua với các đối tượng được xét duyệt theo quy định.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng được phép chuyển đổi, mà Thành phố chỉ ưu tiên cho phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội đối với các dự án nhà thương mại đang thi công dở dang, chưa hoàn thiện, với diện tích căn hộ không vượt quá 70 m2.
Đối với các dự án nhà ở thương mại đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhưng chưa khởi công vẫn không được xem xét để chuyển đổi. Ngoài ra, cũng chưa xem xét chuyển đổi nhà tái định cư để thực hiện bố trí tái định cư tại quỹ nhà đã hoàn thành.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, nhiều doanh nghiệp tỏ ra hào hứng với các chính sách mới này, đồng thời cho rằng, đây là liều thuốc quan trọng, tạo niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế, những chính sách này chủ yếu tác động tới các dự án mới, còn với các dự án nhà ở thương mại đã được đầu tư trước đây không tác động nhiều.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành, gói hỗ trợ lãi suất cho vay 6% là tin tốt với thị trường. Lê Thành đang bán dự án căn hộ với mức lãi suất cho vay của ngân hàng đến 16%/năm mà nhiều người còn vay để mua, thì lãi suất 6%/năm chắc chắn sẽ kích thích được rất nhiều khách hàng mới. Vấn đề băn khăn ở đây là từ chính sách đến thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa, trong đó lo ngại nhất là vấn đề thủ tục.
Còn theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất 6%/năm là quá tốt. Tuy nhiên, với quy định đối tượng được vay là các dự án nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, sẽ không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.
Theo ông Hiếu, phần lớn nguồn cung còn tồn hiện nay đều là từ các dự án được hình thành trước năm 2012, trong khi phần lớn dự án này có diện tích căn hộ trên 70 m2, giá 1,5 tỷ đồng.