Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong cuối năm
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, trong buổi lễ công bố Điều tra tình hình kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương được phòng Truyền thông Chiến lược (ESCAP) của Liên Hợp Quốc tổ chức, TS Lê Xuân Sang, Phó trưởng Ban nghiên cứu Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh bị tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam cũng đã thực hiện các gói kích thích kinh tế với các phạm vi và mức độ khác nhau, do đó cũng xuất hiện tình trạng lạm phát cao trong các năm 2008 và 2011. Sau đó, Chính phủ đã phải sử dụng các giải pháp mạnh tay, quyết tâm kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông Sang, từ cuối năm 2012 và quý 1/2013, kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Lãi suất huy động bắt đầu giảm, tín dụng ngân hàng tăng từ tháng 2 (đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh).
TS Lê Xuân Sang, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (ngồi hàng đầu, bên phải).
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng tăng mạnh trong quý I/2013, thể hiện lòng tin của nhà đầu từ nước ngoài đối với thị trường kinh doanh ở Việt Nam không giảm. Hàng tồn kho giảm dần, chỉ số MPI và đơn đặt hàng xuất khẩu tốt lên trong quý 1/2013...
“Một điểm nhấn cần phải được nhắc tới ở đây, đó là đơn đặt hàng xuất khẩu cũng tăng nhiều lên trong quý I/2013. Một số doanh nghiệp trong nước bắt đầu nhập khẩu các nguyên liệu để phục vụ sản xuất” ông Sang nói.
Ông Sang cũng cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng, thương hiệu Việt đang dần chiếm vị thế đồng thời hàng sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu giá rẻ đã bắt đầu tăng vị thế ở cả thành thị và nông thôn.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,5% phù hợp với mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua. Mặc dù, lạm phát dự báo có cao hơn so với mức mục tiêu là 6 - 6,5% (không tính đến thời tiết và khả năng điều chỉnh giá), song bên cạch đó, các rủi ro khác cũng đang dần được kiềm chế và cải thiện.
Tuy nhiên, theo ông Sang, Việt Nam vẫn đang phải đối phó với nhiều thách thức, hạn chế, rủi ro về các yếu kém cố hữu chưa được xử lý về cơ bản, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, rủi ro lạm phát vẫn còn.
"Ngay trong quý II/2013, nhà nước cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ, tăng cường phát hành trái phiếu đối với các dự án hạ tầng trọng điểm, các dự án mang tính lan tỏa cao…
Về dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục tái cấu trúc hệ thống tài chính theo hướng cân đối hơn thông qua lành mạnh hóa thị trường tín dụng và nâng cao vai trò thị trường chứng khoán trong huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế, thông lệ tốt trong hỗ trợ phát triển công nghệ, tăng liên kết doanh nghiệp, nâng cao cạnh tranh", ông Sang nhấn mạnh.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ kích thích thị trường BĐS trong ngắn hạn
Liên quan đến chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản được thể hiện trong Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 với những điểm chính như sau: 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội ; doanh nghiệp xây nhà xã hội hoặc từ nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội cũng thuộc đối tượng được cho vay...
Trao đổi với PV, Tiến sĩ Lê Xuân Sang cho rằng, thị trường bất động sản có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với nền kinh tế và còn ảnh hưởng tới hệ thống tài chính mà ở đây là ngân hàng.
"Đặc biệt, ở nước ta cũng như một số nước phát triển khác thì việc cho vay bất động sản đang chiếm tỷ trọng rất đáng kể. Tuy nhiên, thị trường bất động sản của chúng ta rất khác với nhiều nước khác, đó là, trong một thời gian dài các hành vi đầu cơ, chờ giá lên trở thành một động lực trọng yếu và chính điều này đã khiến cho bong bóng thị trường bất động sản đã nổ", TS Sang nhận định.
Với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, theo TS Sang, khi đi vào thực thi sẽ có tác dụng ban đầu đối với thị trường bất động sản, nhất là đối với vấn đề nhà ở xã hội.
"Với 30.000 tỷ đồng này, tương đương với khoảng 1,5 tỷ USD thì nó không phải là quá nhiều nhưng nó sẽ mang ý nghĩa ban đầu trong việc kích hoạt trong ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Và tôi nghĩ gói hỗ trợ này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị", TS Sang cho hay.
Tuy nhiên, TS Sang cũng chia sẻ, ngay kể cả nước Mỹ, trước đây cũng đã đưa ra những gói hỗ trợ dành cho bất động sản nhưng vấn đề nền tảng kinh tế vĩ mô sẽ hỗ trợ rất lớn tới thị trường.
Đồng thời, TS Sang cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng các khung pháp lý, thể chế hợp lý, để người dân có được sự tiếp cận vốn vay này từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dài hạn hơn, minh bạch hơn thay vì 3 năm với lãi suất 6% cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích 70m2 trở xuống, giá bán không quá 15 triệu đồng mỗi m2.
"Tôi cho rằng, đối với những người có nhu cầu mua bất động sản ở thời điểm này sẽ có được thời gian, sự suy nghĩ kỹ càng, lựa chọn những dự án hợp lý nhất, quyền của người tiêu dùng tốt hơn so với những giai đoạn bong bóng bất động sản đang còn tồn tại", TS Sang nói.