Giáo sư Xoay - Đinh Tiến Dũng: "Tôi với FPT chỉ tạm ly thân''

Trước vô số tin đồn về việc xin nghỉ ở FPT, "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng cho biết mình chỉ tạm “ly thân” một năm chứ chưa hề "ly dị".

"Biết đâu một năm sau, nếu tôi thấy mình có ích cho FPT trong công việc nào đó, tôi sẽ xin quay về để tiếp tục thực hiện các giấc mơ cùng FPT và học tiếp khóa MiniMBA bao năm vẫn còn dang dở", anh chia sẻ.

- Lý do gì khiến anh quyết định xin thôi đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT (FUN)?

Tôi đắn đo rất nhiều về quyết định này, nhưng rồi vẫn quyết tâm nghỉ. Tôi muốn dành thời gian để học thêm một số thứ mà mình còn đang hổng, hy vọng sẽ đẩy kỹ năng làm việc của mình lên một tầm mới. Nếu chần chừ, tôi sẽ mất cơ hội nâng cấp bản thân và sa lầy một chỗ mất. Sự nghiệp phía trước của tôi còn khá nhiều dự định, do vậy tôi cần phải có những bước nghỉ lấy đà.

- Cảm giác của anh ra sao khi không còn là nhân viên chính thức của FPT, nơi anh đã gắn bó 9 năm?

Tôi gắn bó nhiều với FPT ở tình cảm chứ không phải ở công việc. Do đó, tôi nghỉ việc cũng không ảnh hưởng vì tình cảm vẫn còn nguyên. Thi thoảng tôi vẫn lên FPT hỗ trợ mọi người vài việc, tôi vẫn đóng bảo hiểm, sinh hoạt Đảng ở đây, vẫn được tập đoàn ưu ái dành cho một chỗ ngồi làm việc mỗi khi quay về. Thế nên cảm xúc không có gì thay đổi lắm. Có chăng là cảm thấy tự do hơn khi đã trút được gánh nặng trách nhiệm trên vai.

Anh Dũng gắn bó 9 năm với FPT và là một trong những người dẫn đầu hoạt động văn hóa, đoàn thể của tập đoàn

Anh Dũng gắn bó 9 năm với FPT và là một trong những người dẫn đầu hoạt động văn hóa, đoàn thể của tập đoàn

- Nhiều người cho rằng anh xin nghỉ bởi đã tìm được “tình mới” hấp dẫn hơn FPT?

Đâu có! Tôi với FPT chỉ tạm “ly thân” một năm chứ đã “ly dị” đâu mà dám tơ hào “tình mới”.

- Không làm Trưởng ban nhưng anh vẫn sẽ tham gia một số dự án văn hóa của FPT. Anh có thể chia sẻ thêm về những dự án đó?

Đó là một số dự án liên quan đến sản phẩm báo hình của FUN, tôi có chút kinh nghiệm trong việc biên tập và đạo diễn nên sẽ hỗ trợ thêm cho ê-kip thực hiện.

- Trong thời gian làm Trưởng ban FUN, anh thấy có những thuận lợi và khó khăn gì?

Tôi rất thuận lợi khi có chị Phùng Thu Trang (Phó ban FUN) hỗ trợ sau lưng. Chị Trang là người quán xuyến công việc của FUN thường xuyên, tôi chỉ là người nghĩ ra phương hướng mới, sáng tạo ra các ý tưởng hoặc xuất hiện ở những sự kiện khi cần thiết mà thôi.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên trẻ trung của FUN cũng đã dần trưởng thành, và bộ máy triển khai công việc hoạt động trơn tru nên gần như công việc của tôi cũng không có nhiều khó khăn hay thách thức lắm. Khó khăn lớn nhất của tôi đó là tìm ra những hướng mới và duy trì cảm hứng cho bản thân mình mà thôi.

Anh Dũng vẫn tham gia các dự án văn hóa của FPT trong thời gian tới. Ảnh: Nghệ Nguyễn.

- Vai trò của anh trong thời gian làm Trưởng ban FUN là triển khai các dự án văn hóa của tập đoàn như: Tấm gương, Bảo tàng, Sáng tác, Sân chơi trẻ… Anh đánh giá mình đã làm được những gì với các dự án văn hóa đó của FPT?

Thú thật là đến giờ tôi cũng không nhớ mình đã làm được gì đâu. Tôi xác định vai trò của mình trong FUN chỉ là đứng ra nhận kỷ luật khi cấp dưới hoặc tập thể FUN có làm sai gì đó. Tuy nhiên, chuyện đó may mắn không xảy ra, còn FUN thì vẫn luôn bận rộn, nên tôi đoán là FUN chúng tôi chắc cũng làm được nhiều thứ đấy!

- Anh nghĩ gì về người thay thế mình, tân Trưởng ban FUN Lê Đình Lộc ?

Tôi với anh Lộc biết, phối hợp với nhau nhiều năm nay trong các công tác xây dựng văn hóa FPT và cả công việc bên ngoài. Tôi hoàn toàn tin cậy anh Lộc khi anh nắm giữ vị trí Trưởng ban FUN. Anh rất xứng đáng với vai trò đại diện của văn hóa FPT, vừa có chút thông minh, tếu táo của dân kỹ thuật, vừa có chút hóm hỉnh, uyên bác của giới trí thức... Quan trọng nhất là trong anh thấm đẫm chất và hồn của người FPT. Anh cũng là người ở FPT đã lâu nên quen biết và hiểu nhiều chuyện. Trên cơ sở đó, FUN sẽ có nhiều hướng đi mới vững chắc hơn dưới sự dẫn dắt của anh ấy.

Anh Lộc cũng có nhiều điểm vượt trội hơn so với hai đời Trưởng ban trước. Ví dụ như anh trẻ và đẹp trai hơn anh Châu, lại uyên thâm và chững chạc hơn tôi. Do vậy, tôi nghĩ đây chắc chắn sẽ là một vị trí thành công nhất trong dự án “ luân chuyển cán bộ ” của các lãnh đạo tập đoàn đợt này.

Sau khi rời FPT, anh Dũng muốn dành thời gian để học thêm một số thứ mà bản thân còn đang hổng đồng thời tham gia nhiềudự án quảng cáo và truyền thông nội bộ của các công ty, tập đoàn khác. Ảnh: F.B.

- Anh có thể chia sẻ thêm về một số dự định của cá nhân trong thời gian tới?

Ngoài việc đi học thêm một số chuyên môn về truyền thông và nghệ thuật, tôi cũng sẽ tham gia nhiều dự án quảng cáo và truyền thông nội bộ của các công ty, tập đoàn khác để đảm bảo tài chính gia đình. Vai trò của tôi chủ yếu là bán ý tưởng, các công ty bên ngoài FPT cũng rất coi trọng các ý tưởng mới nên tôi hy vọng sẽ kiếm được. Ngoài ra, tôi cũng sẽ viết một số kịch bản cho các nghệ sĩ đặt hàng hoặc các nhà hát, vừa để thỏa mãn thú vui viết lách, vừa để rèn luyện cho những dự án sáng tác lớn hơn sau này…

- Liệu người hâm mộ có được gặp anh ở một vai trò nào đó trên truyền hình, một nhân vật giả tưởng kiểu như "Giáo sư Xoay" chẳng hạn?

Cái đó tôi chưa biết được, tôi để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên. Việc gì đến sẽ đến, việc qua sẽ qua…

- Người ta thường nói “Hội ngộ rồi chia ly”. Có khi nào anh nghĩ điều ngược lại?

Người ta cũng có câu: “Ra đi mới có quay về”, không ra đi thì làm sao có được cảm giác quay về như thế nào. Tôi trân trọng những gì mình đã có được trong suốt 9 năm công tác tại FPT. Nếu để chọn một giải pháp an toàn, chắc tôi sẽ không chọn phương án xin nghỉ, nhưng tôi muốn tự đẩy mình vào tình thế buộc phải vận động để phát triển bản thân (trừ cân nặng). Biết đâu một năm sau, nếu tôi thấy mình có ích cho FPT trong công việc nào đó, tôi sẽ xin quay về để tiếp tục các giấc mơ cùng FPT và học tiếp khóa miniMBA bao năm vẫn còn dang dở.

Anh Đinh Tiến Dũng sinh ngày 5/10/1981 tại Nam Định. Anh tốt nghiệp Khóa 44 ngành Cây trồng, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh đi theo ngành công tác thanh niên, công tác tại Trung ương Đoàn.

Rời Trung ương Đoàn, anh về làm tại Tập đoàn FPT từ năm 2005 và đã trải qua nhiều vị trí tại FPT HO, ĐH FPT. Tháng 1/2012, anh được bổ nhiệm làm Phó ban FUN. Chỉ sau một năm, tháng 1/2013, anh được đề bạt làm Trưởng ban, thay anh Hoàng Minh Châu.

Không chỉ nổi tiếng trong phạm vi FPT, độ "phủ sóng" của anh Dũng còn rộng khắp trên toàn quốc khi tham gia soạn kịch bản của chương trình "Thư giãn cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm" của Đài truyền hình Việt Nam và đặc biệt nổi tiếng từ khi đóng vai "Giáo sư Xoay" của chương trình "Hỏi xoáy - Đáp xoay" và tham gia cuộc thi " Cặp đôi hoàn hảo ".

Từ tháng 4/2014, anh Dũng thôi giữ chức Trưởng ban FUN. Tạm dừng vị trí quản lý, ngoài các công việc cá nhân, anh Dũng sẽ vẫn dành thời gian thực hiện những dự án về văn hóa của tập đoàn trong thời gian tới.

Hiện, anh Lê Đình Lộc được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT (FUN) thay cho anh Dũng. Anh Lộc sẽ có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công từ Ban điều hành FPT.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại