Chiều 16/10, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ôtô cũng như nhiều mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, một số hiệp định song phương, cần thiết phải sửa đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Đề xuất cụ thể từ Chính phủ là đối với xe ôtô có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống: từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 25% (giảm 20%), từ 1/1/2018 áp dụng thuế suất 20% (giảm 25%).
Loại có dung tích xi lanh từ trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3: từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 30% (giảm 15%), từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 25% (giảm 20 %).
Với loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 Chính phủ đề xuất từ 1/7/2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so) và từ 1/1/2018 áp dụng thuế suất 30% (giảm 15%).
Cũng từ 1/7/2016 loại xe có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 được đề xuất áp dụng thuế suất 60% (tăng 10%), từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5%).
Bộ trưởng Dũng cũng nhắc lại thông báo ý kiến của Thủ tướng về việc áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
Theo đó, Chính phủ đề nghị loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3: từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 90% (tăng 30%).
Loại có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3: từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 110% (tăng 50%).
Tăng đến 70% với mức thuế suất 130% là loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3. Còn loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm sẽ áp dụng thuế suất 150% (tăng 90% ).
Đối với motorhome - loại xe có kích thước lớn, dung tích xi lanh lớn và giá trị cao, Chính phủ đề nghị quy định từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 75%, từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 70% (hiện hành xếp theo số chỗ và dung tích xi lanh).
Xe ôtô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ Chính phủ đề xuất giảm thuế suất từ 30% hiện hành xuống 15%. Được đề nghị giảm 10% là xe ôtô chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ.
Để khuyến khích sử dụng xe tiết kiệm nhiên liệu, Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định thuế suất đối với dòng xe vừa chở người vừa chở hàng loại có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống giữ thuế suất 15% như hiện hành.
Còn loại có dung tích xi lanh từ trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 thì từ 1/7/2016 áp dụng thuế suất 20% (tăng 5%). Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 áp dụng thuế suất 25%, tăng 10% .
Chính phủ cũng trình Quốc hội sửa đổi thuế suất đối với ôtô điện loại từ 10 đến dưới 16 chỗ là 5%, ôtô điện loại từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi áp dụng thuế suất 0%.
Thẩm tra dự án luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô dưới 24 chỗ ngồi.
Cụ thể là điều chỉnh giảm thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2000 cm3 và điều chỉnh tăng đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2000 cm3.
Quy định như dự thảo luật sẽ góp phần giảm giá xe, thúc đẩy thị trường và giúp người dân có thu nhập khá, trung bình khá mua được xe ôtô, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Vẫn theo cơ quan thẩm tra, việc giảm thuế suất thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ sẽ khuyến khích người dân sử dụng xe tiết kiệm năng lượng, phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông trong nước và đảm bảo tính cạnh tranh về mặt bằng thuế suất tương đương với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với xe ôtô chở người chạy bằng điện từ 16 đến 24 chỗ ngồi từ 10% xuống 0% là chưa hợp lý, trong khi tất cả các dòng xe khác đều đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị không điều chỉnh mức thuế suất của dòng xe ô tô này xuống 0%, mà chỉ nên điều chỉnh mức thuế suất từ 10% xuống 5%.
Ông Hiển cũng phản ánh một số ý kiến trong Ủy ban chưa nhất trí với phương án giảm thuế và phân loại quá chi tiết các dòng xe dưới 2.000 cm3 như dự thảo luật.