Từ ngày 11/7, hai ngân hàng là Vietcombank và Agribank đã bất ngờ giảm lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng xuống mức 5%/năm.
Ngoài kỳ hạn 1 tháng, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng cũng được ngân hàng điều chỉnh giảm nhưng không đáng kể, ở mức 6,5 - 6,8%/năm. Lãi suất áp dụng cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ở mức 7 - 7,75%/năm.
Mức lãi suất này cũng thấp hơn nhiều so với mức trần lãi suất huy động 7% được Ngân hàng Nhà nước quy định với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Trao đổi với PV, Tiến sí Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn trong thời điểm này là do đang xảy ra thực tình trạng dư vốn
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp).
“Việc hai ngân hàng Vietcombank và Agribank giảm lãi suất huy động của 1 tháng và từ 2 tháng đến dưới 6 tháng xuống có lẽ đó là một điều tích cực. Bởi thực tế hiện nay lạm phát của chúng ta đang được kiểm soát ở mức độ thấp.
Thứ nữa, hiện nay, ở các ngân hàng, trong đó nhiều ngân hàng lớn của chúng ta đang diễn ra thực tế là việc huy động tiền gửi của khách hàng rất dồi dào nhưng cho vay ra lại rất giới hạn. Chính vì thế, việc giảm lãi suất ở đây chứng tỏ các ngân hàng đang dư vốn nhiều, thành ra không có nhu cầu giữ lãi suất cao để hấp thụ vốn huy động.
Một điều tích cực nữa là khi đã giảm lãi suất huy động xuống thì các ngân hàng này có thể giảm lãi suất cho vay xuống và điều đó, nếu thực hiện sẽ giúp ích rất lớn cho các doanh nghiệp.
Ở đây cũng có thể thấy, hai ngân hàng Vietcombank và Agribank là hai ngân hàng lớn mà khi họ đã làm đầu tàu trong việc kéo lãi suất xuống như vậy thì cuối cùng các ngân hàng khác cũng sẽ phải giảm lãi suất theo”, Tiến sĩ Hiếu phân tích.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hiếu, việc giảm lãi suất trong thời điểm hiện tại chỉ dễ với các ngân hàng lớn còn không dễ với các ngân hàng trung và nhỏ.
“Thực tế, trong thời gian qua, dù giá vàng trong nước vẫn chênh với giá vàng thế giới nhưng giá cũng đã giảm nhiều, giá USD cũng có sự biến động, vì thế đã xuất hiện sự chuyển dịch dòng vốn từ ngân hàng sang các thị trường đó.
Để cầm chân khách hàng, giữ vốn huy động thì một số ngân hàng trung và nhỏ vẫn phải giữ lãi suất cao. Thành ra, việc giảm lãi suất là tích cực với các ngân hàng lớn nhưng cho toàn ngân hàng thì chúng ta vẫn chưa thể chờ đợi việc giảm lãi suất trong lúc này”, Tiến sĩ Hiếu cho hay.
Tiến sĩ Hiếu cũng khẳng định, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động 1 tháng và dưới 6 tháng xuống không vi phạm quy định mức lãi suất trần 7% mà ngân hàng Nhà nước quy định hiện nay.
“Việc các ngân hàng giảm lãi suất như vậy vẫn nằm trong phạm vi quy định 7% của Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng. Còn nếu vi phạm là chỉ khi các ngân hàng đẩy mức lãi suất này lên cao hơn mức trần cho phép”, Tiến sĩ Hiếu nói.
Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất huy động VNĐ vừa qua của một số ngân hàng đối với người gửi tiền, Tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh: “Thực tế, trong những tháng gần đây, mức lạm phát của chúng ta chỉ xoay quanh mốc khoảng 6% và nếu từ giờ đến cuối năm không có sự thay đổi thì với lãi suất trần tiền gửi theo quy định của ngân hàng Nhà nước hiện nay là 7% thì người gửi tiền vẫn được hưởng lợi.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất tiền gửi các khoản dưới 6 tháng của một số ngân hàng lớn vừa công bố, thì rõ ràng sẽ khiến người gửi chịu mức lãi suất cực âm”.