LTS: Trong mấy ngày vừa qua, thông tin về việc tăng giá xăng do Bộ tài chính đưa ra chiều hôm 18/12 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả. Hầu hết đều tỏ ý không hài lòng với quyết định bất ngờ mà Bộ Tài chính đưa ra.
Một trong số đó là những lời tâm sự cũng như những phân tích, lý luận khá sắt đá của độc giả Nam Thành gửi đến tòa soạn. Ý kiến của độc giả này cho rằng, việc tăng giá xăng dầu tại thời điểm nhạy cảm này không những không phù hợp mà chẳng khác gì Bộ Tài chính đang “đánh úp” người dân.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến này. Mời độc giả cùng theo dõi và bàn luận.
Mấy hôm nay, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được Bộ Tài chính đã đưa ra quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu. Và tôi cũng biết được rằng, quyết định này của Bộ đã vấp phải không ít những chỉ trích của người dân.
Thực ra, tôi chẳng muốn bàn luận nhiều đến vấn đề này, bởi lẽ tăng thêm mấy trăm đồng thì để đổ đầy một bình xăng, tôi cũng chỉ mất tiền thêm bằng một cốc trà đá. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây chính là việc đưa ra quyết định không “hợp thời” của Bộ Tài chính.
Hình minh họa
Tôi còn nhớ như in, cách đó hơn 1 tuần, trong khi các doanh nghiệp đầu mối liên tục kêu lỗ, muốn tăng giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính đã ra chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giữ nguyên giá bán đến tay người tiêu dùng.
Và để xoa dịu các doanh nghiệp, Bộ cũng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu diesel để giữ ổn định, không tăng giá bán.
Phải nói thật rằng, sau khi nghe thông tin này, không chỉ có tôi mà rất rất nhiều người dân, các doanh nghiệp trong nước đều thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ, nếu tăng giá trong hoàn cảnh này, nhất là trong giai đoạn gần đến Tết Nguyên đán thì thực không phải là ý tưởng hay.
Thế nhưng, niềm vui này chưa được bao lâu thì lại gặp “tin sét đánh”. Hàng loạt những câu hỏi đầy hoài nghi luẩn quẩn trong đầu tôi: Tăng giá xăng ư? Điều này có thật không vậy? Hay tôi đang nhìn nhầm? Vừa mới nói không tăng nữa sao giờ lại như thế này?
Đột nhiên, tôi nhớ lại lần tăng giá gần đây khi người dân đang hào hứng xem trận bóng đá giao hữu giữa Việt Nam và Arsenal thì bất ngờ bị “đánh úp” tăng giá. Mức giá mới tăng này chỉ kém 2 đồng mỗi lít so với mức kỷ lục được thiết lập ngày 28/3 là 24.580 đồng/lít. Ngay lập tức, trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng còn chế hàng loạt ảnh hài hước về việc giá xăng tăng khi trận bóng hấp dẫn đang diễn ra.
Và điều này lại xảy ra một lần nữa trong lần tăng giá hôm 18/12 vừa qua. Khi đồng bào cả nước vẫn đang hướng về đội tuyển Việt Nam tham gia thi đấu Seagame tại Myanmar thì lại nhận được thông tin đột ngột tăng giá xăng dầu.
Điều đáng buồn ở đây chính là việc, dù đã theo dõi diễn biến tình hình giá xăng dầu thế giới, dù đã lên kế hoạch tăng giá xăng dầu nhưng cả trước thời điểm tăng giá chính thức, Bộ Tài chính và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex vẫn không đưa ra bất kỳ thông tin gì để người dân biết.
14h tăng giá nhưng phải đến 14h38’ Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính mới đưa ra thông cáo báo chí. Và phải đến 14h45', trên trang web của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới công bố thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Điều này phải hiểu làm sao? Chẳng phải là hành động bưng bít thông tin để người dân trở tay không kịp, chẳng phải là “đánh úp” thì là gì nữa?
Trong vòng có mấy tháng trời mà hết giá điện, nước, gas, cước 3G rồi giờ là giá xăng dầu cũng tăng lên chóng mặt. Rồi những ngày giáp Tết này, các mặt hàng đua nhau tăng giá.
Trong khi đó, mỗi lần điều chỉnh tăng lương, những người lao động như chúng tôi chỉ được tăng hơn trăm nghìn bạc. Hỏi rằng liệu với mức tăng lương đó có đủ bù có chi phí các mặt hàng kia gia tăng? Liệu rằng Bộ Tài chính đã dự đoán hết những tác động của việc tăng giá này đến đời sống người dân, hoạt động kinh doanh của người lao động?
Là một người dân, tôi tha thiết mong mỏi các vị lãnh đạo trước khi đưa ra một quyết sách nào, các vị hãy đặt mình vào vị trí của người lao động như chúng tôi để có thể thấu hiểu những khó khăn, vất vả của chúng tôi mà cân nhắc điều chỉnh chính sách sao cho “hợp thời”.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.