Theo đó, từ ngày 1/12, sau khi nhảy vọt lên thêm 78.000 - 79.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức tăng 6.600 đồng một cân, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 485.000 - 491.000 đồng/bình. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Các công ty kinh doanh gas lấy lý do giá thế giới tăng, nhưng thực tế lượng gas sản xuất trong nước mới chiếm thị phần áp đảo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường gas chưa thật sự có cạnh tranh theo hướng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Ngay sau khi thông tin tăng giá này được đăng tải, hàng loạt ý kiến của độc giả phản hồi thể hiện sự bất bình và “không sòng phẳng” của các công ty sản xuất gas đối với người tiêu dùng.
“Cái gì cũng tăng chóng mặt. Xăng, điên, nước, cước dịch vụ, vận tải,.....giờ là gas tăng sốc. Có bao giờ lương của công nhân tăng mà mọi thứ không tăng nhỉ?”, bạn Tuấn bức xúc trước sự tăng phi mã của giá gas.
“Mỗi lần mua gas tôi lại toát mồ hôi vì gần đây chỉ thấy giá tăng, hiếm khi thấy giảm”, cô Dung cho hay.
“Vấn đề dễ hiểu thôi. Khi giá gas thấp các công ty kinh doanh nhập và tồn kho thật nhiều chờ những dip lễ tết, cuối năm thế là đồng loạt tăng giá. Đừng nói là 80.000 đồng mà có tăng 120.000 đồng thì người tiêu dùng cũng phải chịu thôi. Chỉ khổ cho người tiêu dùng kiểu này lại phải thắt lưng buộc bụng thêm chút nữa rồi”, độc giả có nick name MBD chia sẻ.
“Mới thấy có thông báo đầu năm tới mới tăng lương cho người lao động vậy mà các mặt hàng tiêu dùng đã “tát nước theo mưa” rồi. Giảm thì nhỏ giọt, tăng thì cứ gấp cả chục lần đấy. Bức xúc lắm nhưng người dân chẳng làm gì được. Vì người dân chẳng có lựa chọn nào khác nên mới bị các doanh nghiệp o ép, tăng giá”, Lan Hương tâm sự.
“Kiểu này sao sống được. Cái gì cũng tăng vun vút. Với người làm công ăn lương đây quả là một cú đấm sấm sét. Anh Gas thấy anh Xăng, anh Điện tăng liên tục lên đua theo đây mà”, một độc giả ví von hài hước mà sâu cay.
“Hết ông Điện lực tăng giờ lại tới ông Gas. Sắp tới là ông Nước, rồi ông Cáp kéo theo vô số hệ luỵ tăng theo...nhưng lương vẫn vậy mà còn có xu hướng giảm... Dần dần ăn cỏ trừ cơm mới không đỡ tốn tiền”, daikatam gay gắt phát biểu.
Trước tình trạng tăng phi mã của giá gas, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đáng lẽ Bộ Công thương cần phải xem xét lượng gas tồn thực tế hiện nay là bao nhiêu trước khi cho doanh nghiệp tăng giá. Việc doanh nghiệp còn tồn hàng, gas nhập theo giá mới chưa về VN mà đã tăng giá bán là không sòng phẳng với người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước đáng lẽ phải vào cuộc về vấn đề này.
Cũng theo ông Doanh, giá gas trong nước hiện nay đang điều chỉnh theo giá thế giới cũng là hình thức không minh bạch. Bởi hiện nay gas sản xuất trong nước đã chiếm thị phần áp đảo. Theo quy luật kinh tế, đãng lẽ gas sản xuất trong nước phải giữ vai trò dẫn dắt thị trường.
Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết hiệp hội đã có công văn gửi Bộ Tài chính xin giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0%. Nếu được giảm thuế nhập khẩu thì sẽ giảm được khoảng 17.000 đồng/bình 12 kg.