GS-TS Andreas Polk cho biết giá điện ở Đức từ năm 2007 đến 2013 đã liên tục giảm mạnh, tới 40%-50%.
Những năm đầu tự do hóa thị trường điện, Đức cũng gặp tình trạng giá điện tăng lên vì thị trường đang trong quá trình học hỏi để thiết lập thị trường cạnh tranh.
Thị trường điện ở Đức lúc đó cũng nằm chủ yếu ở bốn công ty lớn.
Họ đã bị nghi ngờ dùng quyền lực để tăng giá điện lên vì thế cơ quan quản lý cạnh tranh của Đức đã xem xét kỹ vấn đề này và phá bỏ sự tập trung của thị trường nhằm thu hút nhiều công ty mới tham gia vào sản xuất cung ứng điện, phát triển mạnh điện từ năng lượng tái tạo.
Kết quả là giá điện của Đức liên tục giảm và điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) đã chiếm tới 45% công suất lắp đặt và 1/4 điện sản xuất được tiêu thụ là sử dụng năng lượng tái tạo.
“Giá điện được bán trên thị trường chứng khoán như bất kỳ hàng hóa nào, quyết định bởi cung cầu của thị trường, có lên có xuống.
Giá điện của chúng tôi chỉ phụ thuộc vào hành vi tiêu dùng của chính người dân, mua lúc nào quyết định giá lúc đó.
Chính vì cạnh tranh và không còn sự tập trung như vậy nên có thời điểm giá điện của Đức xuống rất thấp, có lúc giá điện 0 đồng, tức người mua không phải trả tiền điện như thời điểm cuối năm 2014.
Giá điện thấp đã gây áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất điện ở Đức buộc phải giảm chi phí, giá thành, giá bán” - ông Andreas Polk nói.
Ông Andreas Polk cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh giống của Đức, tức có thể kéo giá điện xuống rất thấp, thậm chí là giá điện 0 đồng nếu Việt Nam chú trọng phát triển mạnh nguồn điện từ năng lượng tái tạo.
“Hiện thị trường điện của Việt Nam đang bị tập trung rất mạnh, không tạo ra cơ hội để nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nên giá mới cao và thiếu cơ chế, chính sách cho phát triển điện tái tạo” - ông Andreas Polk nhận xét.