Giá điện chưa thể tăng tiếp

Theo quy định giá điện sẽ không điều chỉnh tăng liên tục trong 3 tháng, do đợt điều chỉnh gần nhất là ngày 1/8, nên chắc chắn thời gian tới giá điện sẽ chưa thay đổi.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại họp báo Chính phủ chiều 28/8.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu về điều hành giá điện, lộ trình tăng giá điện ngày 1/8 vừa qua Bộ Công thương đã làm không tốt dẫn tới những hiểu lầm từ người dân.

Đợt tăng giá điện thêm 5% từ ngày 1/8 vừa qua được dư luận cho là “nhà đèn” đã “đánh úp” và không công bằng khi thông báo tăng giá đột ngột. Thậm chí, đợt tăng giá này chỉ diễn ra đúng 1 ngày sau phát ngôn của người phát ngôn Chính phủ tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, rằng ngành điện phải tham vấn ý kiến người dân trước mỗi lần tăng giá

Theo quy định tại QĐ 24 của Thủ tướng Chính phủ, giá điện sẽ không tăng liên tục trong 3 tháng, nếu tăng dưới 5% trở xuống thì thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công thương. “Không biết có sự trùng hợp gì không, nhưng cả 3 đợt tăng từ tháng 12/2012 tới nay mỗi lần giá điện đều tăng 5% và thẩm quyền quyết thuộc Bộ Công thương?”- người phát ngôn Chính phủ đặt câu hỏi.

Hiện, cả nước có khoảng 2% hộ nghèo tiêu thụ dưới 50 kwh/tháng; 14% hộ cận nghèo tiêu thụ dưới 100kwh/tháng; khoảng 6-7% nhà thầu điện tại địa phương, khu công nghiệp, khu dân cư; trạm thủy nông… Trong đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, các đối tượng này vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. “Dù giá điện có điều chỉnh thế nào thì người nghèo vẫn tiếp tục được hỗ trợ” – Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.

Giá điện chưa thể tăng tiếp
 

Ông cũng cho hay, trong phiên họp Chính phủ lần này, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập và quán triệt, song song với việc điều chỉnh dần giá điện phải có chính sách kèm theo hỗ trợ cụ thể, trực tiếp chứ không cào bằng dành cho người nghèo, đối tượng chính sách và phải tuyên truyền giải thích cho người dân.

Cụ thể, Chính phủ vẫn sẽ bao cấp một số lượng điện nhất định cho người nghèo bằng tiền mặt và hỗ trợ đối tượng này chuyển sử dụng các thiết bị điện thông thường sang thiết bị tiết kiệm điện. “Điều hành giá điện như thế nào, vào lúc nào thì phải có lộ trình cụ thể. Tiến tới đây, điện và xăng dầu Chính phủ chỉ đạo công khai minh bạch với dân, vì làm tất cả là lo chung cho nền kinh tế, lo cho dân” – Bộ trưởng Đam khẳng định.

Tới năm 2015 nguồn điện cho miền Nam không thiếu, tới năm 2017-2018 vì một số dự án chậm tiến độ nên có nguy cơ xảy ra thiếu điện cục bộ tại phía Nam, miền Bắc vẫn dư công suất, miền Trung thì đủ. Chỉ đạo, thêm 1 số trạm để vận tải điện từ Bắc – Nam vững chắc hơn, kiên quyết tháo gỡ khó khăn để dự án điện phía Nam đẩy nhanh tiến độ để không thiếu điện phía Nam vào cuối 2018 – đầu 2019.

Cũng liên quan tới câu chuyện giá điện, mức tăng giá điện chưa hợp lý và tác động không nhỏ tới đời sống người dân, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải thích thêm, Bộ đã rất cân nhắc trước mỗi lần tăng giá điện.

Lý giải việc chọn thời điểm tăng từ 1/8 và mức tăng 5%, ông Trần Tuấn Anh trần tình, ngành điện đứng trước áp lực lớn giá htanfh đầu vào khâu sản xuất điện. Trong đó, riêng giá than bán cho điện tăng 37-41% so với mức giá cũ, khiến chi phí đầu vào của ngành điện tăng khoảng 4000 tỷ đồng năm 2013; giá khí cũng tăng khiến chi phí đầu vào ngành điện tăng do khí 3.200 tỷ đồng.

Tính toán của Bộ cho thấy, tăng giá điện 5% từ ngày 1/8 có tác động và làm tăng CPI trực tiếp 0,12%, sẽ làm tăng giá thành 1 số ngành sản xuất, tùy thuộc từng lĩnh vực về tiêu hao điện năng, công nghệ từ 0,04 - 0,05%. Cụ thể, các ngành chịu tác động lớn như ngành sản xuất xi măng, ảnh hưởng tăng khoảng 0,43%; sản xuất thép thành phẩm tăng 0,04%. Tính toán mức tăng tháng 8, các DN có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và tính tới điều chỉnh giá cho phù hợp mặt bằng giá mới.

“Hiện còn 1 số mặt hàng đang bao cấp về giá, tới đây sẽ bỏ để giá vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn có sự can thiệp của Nhà nước để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế” – Bộ trưởng Đam nhấn mạnh thêm.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 8/2013, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhìn nhận, tình hình chung kinh tế có tăng trưởng nhưng tốc độ cải thiện còn chậm. Riêng tháng 8/2013 CPI tăng 0,83%, là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm do giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,11%; nhóm giao thông tăng 1,11%; nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,88%; giáo dục tăng 0,9%... So với tháng 12/2012, CPI tháng 8/2013 tăng 3,53%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 ở mức 2,86%.

So với cùng kỳ năm trước CPI tháng 8/2013 tăng 7,5%, bình quân 8 tháng tăng 6,9%.

Định hướng những tháng còn lại sẽ tiếp tục điều hành ổn định vĩ mô, cố gắng điều hành GDP khoảng 5,4%. “Điều quan trọng là phải đẩy nhanh tái cơ cấu, không cần chạy theo tăng trưởng, để tạo đà vững chắc cho nhiệm kỳ sau. Tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung vào tái cơ cấu: tổ chức tín dụng, đầu tư, DNNN, đặc biệt là ba khâu đột phá: cải cách thể chế, kiên quyết thực hiện và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các DN”- bộ trưởng Đam chốt lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại