Cước 3G: Dùng hay không, tăng giá hay không là quyền của hai bên

Vũ Tuấn Anh |

(Soha.vn) - Khách hàng phản ánh và cằn nhằn nhưng vẫn phải miễn cưỡng bỏ tiền sử dụng tiếp dịch vụ 3G là do thuận lợi của 3G đem lại vượt quá số tiền bỏ ra của khách hàng.

LTS: Mới đây, 3 nhà mạng là VinaPhone, MobiFone, Viettel đã đồng loạt tăng giá 3G trung bình 20%, trong đó có gói cước tăng đến 40% khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Những băn khoăn xoay quanh câu chuyện tăng giá cước 3G cũng trở thành nội dung đáng chú ý nhất trong phần sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại Quốc hội chiều 20/11. Theo đó, Bộ trưởng Son đã nhắc lại quan điểm chính thức mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một cách khá nhất quán gần đây, rằng việc tăng giá hoàn toàn phù hợp với “thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế”.

Để phân tích sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi xin đăng tải bài phân tích của ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý VN dưới góc độ của một nhà quản lý.

Khách hàng đang tạo áp lực cho nhà mạng giảm dịch vụ 3G

“Cung cầu là qui luật căn bản nhất trong kinh tế thị trường. Người bán có toàn quyền định giá và người mua có toàn quyền từ chối hoặc mua sản phẩm. Cả hai bên có quyền từ chối và cũng có quyền đưa ra những gì mình thích. Tuy nhiên một số sản phẩm và dịch vụ thuộc nhu cầu căn bản và quan trọng sẽ được nhà nước kiểm soát giá đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và công ty sản xuất hoặc buôn bán.

Trong khoảng thời gian gần đây, việc cước 3G tăng giá đã có khá nhiều ý kiến phản đối. Đa phần các ý kiến đều yêu cầu có sự can thiệp của nhà nước để hạn chế giá. Câu chuyện hình như không phù hợp lắm với qui luật của thị trường. Buổi sáng, các bạn đi ra ăn phở và bà bán phở tăng giá từ 20 ngàn lên 30 ngàn. Các bạn sẽ phản đối và chuyển sang hàng khác để ăn.

Trong trường hợp này, chắc chắn các bạn sẽ không thể đòi hỏi chính quyền tác động vào bà bán phở để giảm giá tô phở từ 30 ngàn trở về 25 ngàn. Tại sao trong trường hợp 3G chúng ta lại hành xử như vậy? Câu chuyện ở đây chỉ là số lượng khách hàng dùng 3 G nhiều hơn rất nhiều lần số lượng khách hàng của bà bán phở. Khách hàng đang tận dụng số đông để tạo áp lực cho nhà mạng 3G giảm dịch vụ.

 	Dịch vụ 3G được thiết kế trên quy luật thuận mua vừa bán, khách hàng không thích có thể hủy.

Dịch vụ 3G được thiết kế trên quy luật thuận mua vừa bán, khách hàng không thích có thể hủy.

Câu chuyện tiếp theo là vấn đề dịch vụ truy cập 3G có phải là dịch vụ nhà nước cần kiểm soát về giá hay không? Theo tôi, dịch vụ 3G không phải là dịch vụ viễn thông cơ bản – nghe và nhắn tin. Nói cách khác, dịch vụ 3G được thiết kế trên quy luật thuận mua vừa bán. Các khách hàng không thích 3G có thể quay trở lại sử dụng các dịch vụ internet bình thường trên máy tính như những năm trước. Khách hàng muốn thuận lợi hơn, tiện hơn, dễ chịu hơn, về bản chất phải chịu chi nhiều hơn cho những thứ mình thụ hưởng.

Rõ ràng cùng với sự bùng phát số lượng Smartphone, nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G tăng đột biến cả về số lượng lẫn cường độ sử dụng. Bảng giá 3G được đưa ra từ cách đây vài năm phù hợp với yếu tố gia tăng nhu cầu sử dụng Smartphone còn khiêm tốn tại Việt Nam. Vì vậy, khi smart phone tăng lên và nhu cầu sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G tăng lên, bảng giá hiện tại sẽ không còn phù hợp nữa.

Khi khách hàng sử dụng OTT (Over the top - ứng dụng nhắn tin, gọi điện, chát miễn phí) và các dịch vụ truy cập 3G, số lượng dữ liệu sẽ tăng nhanh chiếm dụng tài nguyên mạng và gia tăng chi phí phục vụ khách hàng. Các nhà mạng phải thiết kế lại bảng giá để cân đối chi phí và doanh thu.

Yếu tố thứ hai giải thích tại sao nhà mạng phải tăng giá dịch vụ 3G là do khi dữ liệu lưu chuyển ra quốc tế tăng lên, nhà mạng sẽ phải trả thêm phí cho nước ngoài. Điều này cũng tương tự khi bà bán phở bò tăng giá bán khi thịt bò tăng 20%. Điểm khác biệt duy nhất đó là người tiêu dùng có thể dễ dàng thông cảm bát phở bò vì họ biết giá thịt bò tăng. Trong trường hợp 3G, khách hàng không biết nhà mạng phải trả thêm phí cho dung lượng gia tăng khi sử dụng dịch vụ 3G.

"Dịch vụ OTT đòi 3G giảm giá là không phù hợp"

Câu chuyện tăng giá 3G sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, người tiêu dùng bớt bức xúc hơn nếu như nhà mạng chịu minh bạch cơ cấu chi phí và lợi nhuận từ các mảng dịch vụ.
Câu chuyện tăng giá 3G sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, người tiêu dùng bớt bức xúc hơn nếu như nhà mạng chịu minh bạch cơ cấu chi phí và lợi nhuận từ các mảng dịch vụ.

Trong trường hợp, các dịch vụ OTT đòi hỏi cước 3G giảm, tôi đánh giá là không phù hợp. Về mặt bản chất kinh doanh khi tạo ra giá trị gia tăng. Công ty luôn luôn phải tốn chi phí để tạo ra nó. Trong trường hợp này rõ ràng chi phí tạo ra dịch vụ OTT đang bị chia sẻ một cách không công bằng giữa nhà cung cấp dịch vụ OTT và các mạng viễn thông. Trong khi đó, lợi nhuận thu từ quảng cáo và các nguồn khác thì nhà cung cấp OTT hưởng. Chia sẻ chi phí chắc chắn phải dẫn tới cơ cấu chia sẻ lợi nhuận.

Đối với nhà mạng, câu chuyện tăng giá sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu như họ minh bạch cơ cấu chi phí và lợi nhuận từ các mảng dịch vụ. Khi cơ cấu giá thành và lợi nhuận được kiểm toán minh bạch, cơ chế thị trường sẽ phát huy tác dụng và bảo vệ nhà cung cấp khi bắt buộc phải tăng giá. Câu chuyện thứ hai các nhà mạng cần thực hiện là tái đầu tư lợi nhuận thu được cho nâng cấp dịch vụ 3G.

Dùng hay không dùng, tăng giá hay không tăng giá là quyền lựa chọn của hai bên sử dụng và cung cấp dịch vụ. Nếu như ngay lập tức hơn một nửa khách hàng 3G tẩy chay không sử dụng dịch vụ câu chuyện sẽ hoàn toàn khác biệt. Trên thực tế, khách hàng phản ánh và cằn nhằn nhưng vẫn phải miễn cưỡng bỏ tiền sử dụng tiếp dịch vụ 3G là do thuận lợi của 3G đem lại vượt quá số tiền bỏ ra của khách hàng.

Trong mọi trường hợp cơ chế thị trường luôn là tiếng nói quyết định cho những dịch vụ và sản phẩm không phải là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại