Năm 2013 kết thúc với nhiều con số đẹp được đưa ra trong các bản báo cáo, tuy nhiên, một thực tế được không ít người đặt ra là số lượng doanh nghiệp "chết" trong năm qua đã tăng lên mức rất cao.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.
Trong khi đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
Bộc bạch tại buổi tọa đàm “Leader Talk: Cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp” do Vietnam New Media Group tổ chức vừa qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã không giấu sự lo lắng và cho rằng đây là một "nỗi đau".
“Đây không phải là quy luật đào thải bình thường mà là rất không bình thường. Bởi vì con số 61.000 doanh nghiệp "đóng cửa" là đỉnh cao của đà tăng liên tục số doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Nếu trong thời kì khủng hoảng 2008-2009, chỉ có 4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động thì năm 2010 tăng lên 40.000, năm 2011 lên 53.000 doanh nghiệp, năm 2012 tăng lên 54.000, năm 2013 lên 61.000. So với năm 2010, số doanh nghiệp đóng cửa đã tăng gấp rưỡi...”, bà Lan nhấn mạnh.
Lý giải về nguyên nhân của con số khổng lồ gần 61.000 DN giải thể và ngừng hoạt động trong năm 2013, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh doanh BDI cho rằng, ở đây không hoàn toàn do khủng hoảng kinh tế mà chủ yếu là do những yếu kém, bất cập của doanh nghiệp.
Chính vì vậy mà nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện mức độ khủng hoảng dữ dội hơn cũng như phục hồi chậm hơn hẳn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
"Phần lớn các doanh nghiệp thất bại trong năm 2013 là các doanh nghiệp thiếu vốn lưu động và họ muốn phát triển nhưng không chịu bỏ chi phí ra để nghiên cứu, cải tiến, đổi mới do ảnh hưởng nặng nề của tư duy kinh doanh chộp giật rất mạnh mẽ.
Thêm vào đó, đa phần các doanh nghiệp thất bại này cũng "sập bẫy" do chính họ đặt ra, ví như vốn tự có ít nhưng tham hoành tráng, quy mô lớn nên đi vay vốn ngắn hạn đầu tư vào tài sản cố định. Khi nhà máy gần xong thì không thu hồi vốn được... Một số doanh nghiệp khác lại thực hiện những dự án theo kiểu lãng mạn, không thực tế... ", TS Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, TS Lê Đăng Doanh cũng đánh giá: "Việc 61.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động không thể nói chủ yếu do khủng hoảng kinh tế bên ngoài. Bởi, nếu khủng hoảng kinh tế bên ngoài thì tại sao xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng hơn 15% và đầu tư từ nước ngoài vẫn tăng 60%, đạt đến 22 tỷ USD tiền vốn cam kết. Chúng ta phải nhìn thấy rõ, ở đây đâu là do phần nguyên nhân của chúng ta...".
"Cứu cánh" ở chính nhân tố con người
Nhấn mạnh về những giải pháp "cứu cánh" cho doanh nghiệp, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ, phải tự mình chủ động và linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường thay vì trông mong sự hỗ trợ của Chính phủ hay những thay đổi từ cải cách thể chế.
Đồng quan điểm đó, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, bên cạnh việc thay đổi kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh của chính phủ, các DN phải tự là "phao cứu sinh" cho chính mình và nền kinh tế bằng những thay đổi, cải cách đầy sáng tạo và khả thi của mình. Sáng tạo, đổi mới là chìa khóa để cạnh tranh thành công.
"Các doanh nghiệp cần phải tích lũy kinh nghiệm từ các bài học nhỏ để dần vững mạnh và quan trọng nhất là không được e dè, sợ hãi trước khó khăn”, TS Doanh chia sẻ.
Thêm vào đó, TS Lê Đăng Doanh cũng khuyên, các doanh nghiệp nên học tập tinh thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Hãy đánh giá tình hình, nếu cần phải có quyết định điều chỉnh lại chiến lược và khi có cơ hội thì hãy thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa.
Đặc biệt, các DN nên quan tâm đến có triết lý “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”. Tức là luôn luôn phân tích nhìn thấy được cái mạnh của mình và cái yếu của địch chứ không bao giờ có suy nghĩ là mình không thể làm gì được.
Đồng thời phải luôn học tập rèn luyện bản lĩnh, phát hiện những yếu kém của mình để khắc phục. DN hãy học tập Đại tướng", TS Doanh nhấn mạnh.
Còn chuyên gia Phạm Chi Lan thì cho rằng: “Trong tình hình kinh tế hiện nay, doanh nghiệp phải chấp nhận trải qua thử thách, chủ động tiếp cận phương thức kinh doanh mới, sáng tạo và đổi mới công nghệ, để tự mình tìm ra con đường phát triển”.