Gà Đông Tảo được chăm sóc như... vua

Bình Minh |

Một kg gà Đông Tảo có giá tiền triệu, thậm chí những con thuần chủng lên tới 40 - 50 triệu đồng/con. Tuy nhiên, chủ nhân của chúng cũng phải trải qua quá trình chăm sóc vất vả.

Sức hút từ gà "đế vương"

Câu chuyện về những chú gà từng là huyền thoại, và cách chăm sóc của những chủ trại gà với loài vật đặc biệt này trong dịp Tết cũng có lắm điều thú vị.

Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) là giống gà đặc hữu và quý hiếm, được nuôi nhiều đời nay ở vùng đất Khoái Châu.

Gà Đông Tảo xưa kia hoàn toàn là giống gà cực quý, do thân hình dị dạng nhìn như quái thú, bởi chúng sở hữu đôi chân “khủng”, thân hình chắc nịch, thịt dai thơm và từng được coi là linh vật của làng.

Chúng chỉ dùng để cúng tế lễ làng, đình đám, và điều quan trọng hơn hết là để tiến dâng cho vua chúa, nhằm bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với bậc bề trên.

Gà Đông Tảo hiện còn thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam, hiện đang được bảo tồn nguồn gen.

Đặc biệt, gà Đông Tảo có trọng lượng khá nặng, gà trống có thể lên tới 6 - 7kg, da ngồn ngộn đỏ hồng, cơ bắp cuồn cuộn nhưng thịt không gân, không dai.

Ấn tượng so sánh giữa gà Đông Tảo với các giống gà khác là ở đôi chân.

Bao quanh phía trước chân là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng lối (thường gọi là vảy rồng), phần còn lại (3/4 diện tích) da sùi giống bề mặt trái dâu tằm... gà bước đi vững chắc, nhưng chậm chạp.

“Gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào.

Thứ gà tiến vua này lúc nhỏ da đỏ chót, chỉ lơ thơ lông, giống hệt gà cánh tiên”, anh Nguyễn Văn Thao, một chủ trại gà Đông Tảo có tiếng tại huyện Khoái Châu cho biết.

Theo anh Thao, một con gà Đông Tảo to chế biến được 7 - 10 món, mà món nào cũng độc đáo, nên xưa dùng để cung tiến cho vua chúa làm vật phẩm.

Vụng ấp trứng và nuôi con, dễ bị bệnh, hiếm giống thuần cũng là những nguyên nhân khiến gà Đông Tảo ngày càng trở nên khan hiếm và hấp dẫn khách.

Không chỉ mang lại giá trị to lớn khi nuôi được gà thuần chủng trưởng thành, mà từ khi mới nở, gà Đông Tảo đã khẳng định thương hiệu và sự đắt đỏ.

Không kể gà lai, chỉ riêng một con gà Đông Tảo thuần chủng mới nở cũng có giá 300.000 đồng/con.

“Giá bán đắt đỏ là thế, nhưng không phải muốn mua là được.

Phải tuyển kỹ lắm, vì giờ đa số là gà lai cả rồi. Chưa kể tỉ lệ nuôi thành công cũng rất thấp”, anh Giang Tuấn Trưởng, một chủ một trang trại gà tại Đông Tảo cho biết.

Con gà có đôi “chân rồng” được anh Trưởng bán cho khách hàng với giá 50 triệu đồng.
Con gà có đôi “chân rồng” được anh Trưởng bán cho khách hàng với giá 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, với nhiều chủ trại có kinh nghiệm, nhà nào nuôi thành công chục con gà Đông Tảo giống như có tài sản quý trong nhà.

“Bây giờ còn đỡ lạ lẫm chứ cách đây mấy thập kỷ, một con gà Đông Tảo bán đi đổi được cả “đầu cơ nghiệp” là con trâu ấy chứ”, ông Lê Xuân Vết (xã Đông Tảo) không giấu nổi sự tự hào khi nói về những “đế vương” đặc biệt này.

Trong những dịp Tết, nhu cầu mua gà Đông Tảo tăng chóng mặt, đặc biệt là những chú gà thuần chủng.

Có những chú gà với trọng lượng lớn, hình dáng đôi chân khác lạ giống “chân rồng”, nếu nuôi thành công, chủ hàng có thể bán với giá 40 - 50 triệu đồng/con.

Bởi thế mới có chuyện, nhiều chủ hàng đã lao tâm, khổ tứ để chăm gà, coi gà như “đế vương” và sử dụng nhiều kỹ thuật đặc biệt chưa từng có để chăm sóc chúng.

Nông dân mở Facebook học kinh nghiệm chăm gà

Đó là trường hợp của ông Lê Xuân Vết (Khoái Châu, Hưng Yên) trồng 3 sào chuối làm thức ăn cho gà Đông Tảo.

Ở độ tuổi U80, nhưng trại gà tiến vua của ông Vết có hơn 100 con lớn nhỏ, chủ yếu là để nhân giống, đều đều tháng nào cũng có lứa xuất chuồng.

Thỉnh thoảng, ông cụ có một số gà thịt trưởng thành bán cho người quen biết. Mỗi năm, ông cũng nuôi được khoảng chục con gà trống bán Tết.

Điều đặc biệt, ông chủ trại gà này còn tự tìm tòi công nghệ và tạo dựng một trang Facebook riêng để tư vấn những người mê giống gà.

Mỗi khi có khách ở xa muốn mua, ông lại cầm iPad quay hình trực tiếp, giúp khách hàng chọn được con gà ưng ý mà không cần đến tận nơi.

Nhiều người lấy làm ái ngại vì thương ông sống vất vả trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, nhưng ông xua tay: “Tôi thích cuộc sống như vậy, nhà cửa rộng rãi, ở không hết mà chỉ vất vả và thêm việc không có ích.

Thay vì thế, tôi dành thời gian vào chăm gà”. Vừa nói, ông vừa chỉ tay về phía đàn gà, chân con nào con nấy đều thuộc dạng “khủng”.

“Tôi đang có hai con gà trống làm giống, một con được trả 46 triệu đồng, một con 52 triệu đồng nhưng không dám bán.

Do chưa gây được con gà thuần chủng như chúng, nên dù khách có trả bao nhiêu đi nữa cũng không thể bán được”, ông cho biết.

Không chỉ có riêng ông Vết, nhiều thế hệ chủ trại chăn nuôi trẻ hiện nay cũng tích cực tìm đến với công nghệ để sở hữu được các kỹ thuật chăm gà, cũng như có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với các chủ gà khác.

Anh Trưởng, chủ nhân của trang Facebook có tên “Gà Đông Tảo Trưởng”, tốt nghiệp một trường đại học có tiếng, nhưng vì niềm đam mê với giống gà quý của quê hương, nên đã quyết định gác tấm bằng đại học, trở về quê, mở trại gà Đông Tảo.

Nhờ sự năng động của tuổi trẻ, anh đã không ngừng học hỏi và tiếp cận thêm các thông tin về loài vật đặc biệt này qua mạng.

“Có mạng Internet, những người cùng nuôi gà Đông Tảo trên cả nước đã kết nối được với nhau, chia sẻ những thông tin hữu ích, đặc biệt là cách chăm gà nên rất tiện lợi”, anh Trưởng cho biết.

Cũng theo anh Trưởng, hiện nay, ở xã Đông Tảo đang có xu hướng nhiều cử nhân tốt nghiệp trở lại quê hương và tìm đến mô hình chăn nuôi gà bằng... công nghệ.

“Từ ngày có mạng xã hội, việc trao đổi thông tin về gà, cách chăm sóc gà cũng tiện lợi hơn rất nhiều.

Nhiều khách hàng theo đó mà giao dịch, không phải đến tận nơi nhiều lần như trước”, anh Trưởng nói thêm.

Bởi thế mới có chuyện, từ huyện Văn Giang về đầu xã Đông Tảo, câu chuyện nông dân cầm iPad, laptop... chăm gà quý đã không còn lạ lẫm với những người dân nơi đây.

Phát sốt khi... gà ốm

Đầu tư nhiều công chăm sóc cũng như những kỹ thuật chăm sóc cầu kì, nhiều chủ hàng đã thu được kết quả lớn khi trao những “đế vương” đến tay khách.

Theo ước tính, để chăm lớn được một chú gà Đông Tảo thuần chủng, chi phí cũng không dưới 5 triệu đồng/con.

Do vậy, lỡ rủi ro xảy ra, thiệt hại là không hề nhỏ. Thậm chí, nhiều trường hợp đã phải bán cả ruộng vườn vì đam mê nuôi “đế vương”, hay đơn giản là phát sốt khi thấy gà bị ốm.

Anh Nguyễn Văn Thao vẫn còn nhớ như in dịch cúm gia cầm năm 2012 đã càn quét một cách thảm hại làng gà Đông Tảo, khiến không ít gia đình điêu đứng, vỡ nợ.

“Năm đó, nhà tôi bị thiệt hại gần 2 tỷ đồng, vì nuôi gà gần đến ngày xuất chuồng thì dịch cúm kéo đến, gà chết hoặc bán không ai dám mua”, anh Thao nhớ lại.

 Anh Giang Tuấn Trưởng bên con gà Đông Tảo thuần chủng của gia đình.
Anh Giang Tuấn Trưởng bên con gà Đông Tảo thuần chủng của gia đình.

Cũng sau bận đó, vì lo lắng mà anh trở bệnh nặng, gia đình điêu đứng.

“Nhưng giờ thì qua rồi. Gia đình hiện có gần 60 con gà Đông Tảo thuần chủng, chuẩn bị bán ra đợt Tết.

Nhiều khách hàng đã đến đặt tiền và chọn gà từ vài tuần trước”, anh Thao phấn khởi cho hay.

Theo anh Thao, gà Đông Tảo thuần chủng năng suất thấp, chỉ đẻ mỗi lứa trên dưới 10 quả trứng, ăn rất khỏe, chi phí nuôi tốn kém.

Chính vì thế, hiện nay phần nhiều gà Đông Tảo được lai giữa gà ri với gà Đông Tảo cho giống khỏe hơn, đẻ nhiều hơn và kháng bệnh cũng tốt hơn.

Gà Đông Tảo thì đẻ ít và chậm, 2 ngày chỉ đẻ 1 trứng, gà trống đạp cồ thì vô cùng khổ sở, do đôi chân quá to và thô kệch, trọng lượng cơ thể lại quá nặng nề nên khó mà kiểm soát được cơ thể khi đạp mái, tỉ lệ đậu cũng rất ít.

Một con gà mái thuần chủng thường chỉ đẻ 7-10 quả mỗi lứa, tỉ lệ nở con chỉ được khoảng 30%.

Còn theo ông Vết, chăm gà này như chăm đứa trẻ. Lúc mưa gió phải che chắn cẩn thận, tiêm thuốc theo định kỳ, dọn chuồng mỗi ngày.

Ngoài các loại thuốc phòng bệnh thông thường, người nuôi còn phải sử dụng những bài thuốc dân gian để phòng bệnh cho gà, cũng như tạo cho gà có thêm sự hấp dẫn, như: Dùng nước lá trầu không cọ rửa chân cho gà, đun nước lá để xông hơi cho gà...

“Không ai nói trước được điều gì, vì giống gà này rất nhạy cảm.

Chỉ cần đồ ăn, thức uống không được vệ sinh cũng dễ làm cho gà mắc bệnh và chết.

Người có kinh nghiệm chăm thì đỡ lo hơn, chứ cũng không thể chắc bụng được”, ông Vết nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại