Vượt qua chặng đường gần 1.200km bằng ôtô qua nhiều vùng miền của nước Pháp, từ thành phố Rennes (ở vùng Bretagne nổi tiếng của Pháp, nơi đặt trụ sở của Công ty FIT), đến Maillezais (vùng Pays de la Loire, nơi có nhà máy tên gọi Liên minh sản xuất sữa Venise Verte-ULVV), chúng tôi đã tiếp xúc với những người có trách nhiệm trực tiếp đối với sản phẩm sữa Danlait như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty FIT, Hervé Lanoë và Giám đốc sản xuất của ULVV Frédéric Duppéret.
Sau những nỗ lực tìm hiểu, xâu chuỗi và phân tích vấn đề, chúng tôi đã nhận được lời giải thích về sữa dê Danlait.
Cụ thể, ULVV sản xuất sữa dê Danlait theo đơn đặt hàng của Công ty FIT, tuân thủ các quy định chặt chẽ về sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) và nhà phân phối nhập khẩu sản phẩm sữa về Việt Nam - Công ty trách nhiệm hữu hạn Mạnh Cầm.
Theo giải thích của Giám đốc sản xuất ULVV Frédéric Duppéret, hình thức sản xuất theo đơn đặt hàng do một công ty Pháp yêu cầu, với nhãn hiệu của công ty đó hay nhãn hiệu do nhà phân phối nhập khẩu của nước ngoài, giờ đây rất phổ biến với những công ty sản xuất quy mô vừa ở Pháp, để mở rộng năng lực sản xuất và cạnh tranh.
Do vậy, sản phẩm sữa dê Danlait được sản xuất tại nhà máy, áp dụng các quy chuẩn của châu Âu đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em, mà cụ thể là chỉ thị 2006/141/EC của Ủy ban châu Âu ban hành ngày 22/12/2006.
Sản phẩm sữa dê Danlait với vỏ hộp, mẫu mã, thiết kế bao bì thuộc Công ty FIT, còn nhãn hiệu Danlait thuộc sở hữu của Công ty Mạnh Cầm, được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và tại Pháp.
Qua tìm hiểu các loại sữa hộp tại một số siêu thị lớn ở khu vực Paris và phụ cận như Auchan, Carrefour, Cora, và theo khẳng định của ông Lanoë thì theo quy định của luật pháp Pháp, tất cả các loại sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi đều được gọi chung là sữa trẻ em (lait infantile), với tỷ lệ protein dao động từ 10-25g/100g bột, mà không dùng thêm một thuật ngữ nào khác.
Ông Lanoë cho rằng hàm lượng protein 34% chỉ tồn tại trong thành phần của các sản phẩn sữa bột nói chung dành cho người lớn.
Trao đổi với phóng viên tại trụ sở của FIT ở 20 đại lộ Henri Fréville (thành phố Rennes), trong tâm trạng bức xúc và có phần bồn chồn lo lắng về những nghi vấn chất lượng xung quanh sản phẩm sữa dê Danlait, Tổng giám đốc Hervé Lanoë khẳng định rất dễ để nhận biết chất lượng của sản phẩm khi căn cứ vào mẫu hình bầu dục chứng nhận về an toàn thực phẩm với mã số được cấp bởi cơ quan an toàn thực phẩm của Pháp.
Ông Lanoë cho rằng mỗi lô hàng gửi đi đều có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm của cơ quan thẩm quyền của Pháp.
Ông Hervé Lanoë cho rằng sữa dê Danlait là sản phẩm sữa dê có hàm lượng các chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin rất gần với sữa mẹ. Ông Lanoë cho rằng vừa qua có những tin đồn sữa dê Danlait bị làm giả và có nguồn gốc từ Trung Quốc là không đúng. Đó là những thông tin sai lệch, xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.
Ông Hervé Lanoë đã chỉ cho phóng viên TTXVN thấy một sản phẩm sữa dê có trong lượng 900 gr/hộp của Công ty FIT mang nhãn mác khác được xuất khẩu sang Trung Quốc, với những dòng chữ bằng tiếng Trung ghi rõ nguồn gốc, thành phần chất lượng,... tương tự sữa dê Danlait với trọng lượng 400 gr/hộp.
Cả hai loại sản phẩm này đều được sản xuất tại nhà máy ULVV cũng dưới hình thức đơn đặt hàng, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Pháp cấp.
Rời văn phòng của công ty FIT, chạy dọc sườn phía Tây của Pháp, chúng tôi đến thăm nhà máy ULVV.
Giám đốc sản xuất của ULVV, Frédéric Duppéret cho biết có những sản phẩm sữa dê được đặt hàng như Danlait, nhưng được bán trên thị trường Pháp mang tên gọi prémilait, với công thức gần như tương tự Danlait. Song đó là sản phẩm bio nên giá bán trên thị trường cao hơn và hiện có mặt trong gần 1.000 hiệu thuốc và cửa hàng chuyên bán sản phẩm bio của Pháp.
Tại đây, chúng tôi đi thăm dây chuyền sản xuất sữa, đóng hộp, bao gói, vận chuyển các sản phẩm sữa mang các nhãn mác khác nhau để xuất sang các nước, theo đúng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng, nhất là sữa Danlait xuất khẩu sang Việt Nam.
Ông Duppéret cho biết thêm mặc dù sản phẩm này được phép lưu hành tự do tại Pháp và châu Âu, song nó vẫn chưa được bày bán rộng rãi tại các siêu thị.
Nguyên nhân là do sản phẩm sữa dê không sản xuất được nhiều như với sữa bò (ULVV có sản lượng 3 triệu lít sữa dê/năm trong khi sữa bò là 10 triệu lít/năm) và nguồn nguyên liệu thu được hàng năm từ dê tự nhiên còn rất hạn chế (3-4 lít/con/ngày, trong khi bò là 25-30 lít/con/ngày).
Chị Trần Céline (38 tuổi, ở ngoại ô Paris), là Việt kiều sống ở Pháp từ khi 7 tuổi, có 4 con (3 gái và một trai), đã dùng sữa dê Danlait cho cháu gái thứ tư từ khi cháu 4 tháng tuổi đến nay đã hơn một tuổi.
Đánh giá chất lượng sữa Danlait, chị Trần Céline cho biết con gái chị hiện nay đang thích nghi rất tốt với sữa dê Danlait, các chỉ số tăng trưởng bình thường, đặc biệt cháu không bị táo bón. Là một điều chế viên làm trong lĩnh vực dược phẩm tại Pháp từ 17 năm qua, chị càng có điều kiện để so sánh những ưu thế khi dùng lọai sữa này so với các loại sữa khác.
Theo chị Trần Céline, chị đã biết đến sữa dê Danlait một cách tình cờ và cho con dùng thử. Chị thấy sữa Danlait gần giống với sữa mẹ hơn, dễ tiêu hóa. Sữa dê giàu chất lipít tạo thành những hạt nhỏ nên dễ hấp thụ trong máu. Tỷ lệ protein cũng gần giống với protein có trong sữa mẹ.
Chị nói rằng từ khi con gái chị dùng loại sữa này, chị nhận thấy cháu nhận biết, phát triển tốt, nhanh biết đi, các hoạt động đều bình thường, và không có biến chứng gì.
Chị Trần Céline cho hay theo một số nghiên cứu, người Pháp ngày càng có xu hướng tăng tiêu thụ sữa dê, với mức tăng khoảng 10%/năm. Chị nói thêm rằng với các cháu mẫn cảm với các chứng dị ứng, đầy hơi, ợ chua, thì nên dùng sữa dê.