Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ khi Ngân hàng trung ương Mỹ đưa lãi suất xuống gần 0% vào năm 2008 trong bối cảnh kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Động thái tăng lãi suất của Fed với sự đồng thuận của toàn bộ 10 thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ, được xem là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của kinh tế Mỹ, bất chấp những diễn biến khó lường của giá dầu, kinh tế Trung Quốc trì trệ và tăng trưởng toàn cầu yếu.
Chủ tịch Fed, Janet Yellen cho biết: “Quyết định tăng lãi suất đã chấm dứt 7 năm duy trì lãi suất gần bằng 0 để đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái.
Đây cũng là sự công nhận đối với những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực khôi phục thị trường việc làm, tăng thu nhập và giải tỏa khó khăn kinh tế cho hàng triệu người Mỹ, đồng thời thể hiện niềm tin của chúng tôi rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng”.
Năm 2008, Fed quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống gần bằng 0 nhằm hãm đà lao dốc của kinh tế Mỹ do tác động của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp, cũng như để lấy lại lòng tin đang lung lay của thế giới đối với hệ thống tài chính Mỹ khi đó.
Cho tới nay, kinh tế Mỹ gần như đã hồi phục hoàn toàn với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5% và tăng trưởng trung bình đạt 2% trong 5 năm qua.
Kể từ khi kết thúc suy thoái, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 12 triệu việc làm, trong khi tiền công lao động vốn hầu như không thay đổi trong thời kỳ hồi phục, cũng bắt đầu tăng trong thời gian qua
Động thái tăng lãi suất của Fed là tín hiệu mở đường cho những lần tăng lãi suất tiếp theo vào năm 2016.
Tuy nhiên, bà Janet Yellen cam kết rằng việc tăng lãi suất sẽ được thực hiện một cách dần dần nhằm tránh tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi kinh tế.
"Quá trình bình thường hóa lãi suất nhiều khả năng sẽ được thực hiện dần dần, mặc dù chính sách tiếp theo sẽ phụ thuộc vào những diễn biến kinh tế liên quan đến mục tiêu tạo việc làm tối đa và đưa tỷ lệ lạm phát lên 2% của chúng tôi.
Kể từ tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã tuyên bố sẽ tăng lãi suất khi thị trường lao động tiếp tục có tiến bộ và tỷ lệ lạm phát sẽ trở lại mục tiêu 2% về trung hạn”.
Cho tới giờ thì Fed mới thực hiện được 1 trong 2 mục tiêu chính là giảm tỷ lệ thất nghiệp và đưa tỷ lệ lạm phát lên 2%. Tỷ lệ lạm phát hiện nay đang ở mức gần 0% và sẽ khó có thể đạt ngưỡng 2% trước 2018.
Cùng ngày, Fed cũng điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2016 từ 2,3% lên 2,4%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,7% so với dự báo 4,8% vào tháng 9 vừa qua.
Ngay sau khi Fed tuyên bố tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng điểm, chủ yếu nhờ cam kết chỉ tăng lãi suất dần dần của Fed, trong khi đồng USD ổn định và giá dầu tiếp tục giảm mạnh.
Theo các chuyên gia, lãi suất đồng USD cao hơn sau quyết định của Fed có thể sẽ khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi do giới đầu tư quay trở lại Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Các nước đang phát triển có thể cũng phải trả nhiều hơn cho những khoản nợ vay bằng USD.
Bên cạnh đó, quyết định tăng lãi suất cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô, một trong những điểm sáng nhất của kinh tế Mỹ.
Theo ước tính, nếu lãi suất tăng 1% sẽ khiến doanh số ô tô giảm 3% do những người vay tiền mua ô tô sẽ phải cân nhắc khi chi phí phải trả sẽ cao hơn hiện nay.