Bộ Công Thương vừa tổ chức họp báo, về công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012. Tại đây, những thông tin về tình hình kinh doanh của EVN trong hai năm qua được nhiều người quan tâm.
EVN lãi hơn 4 nghìn tỷ năm 2012
Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2012 là 139.489,15 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện).
Doanh thu bán điện của Tập đoàn trong năm 2012 là 143.893 tỷ đồng, tương ứng với giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.364,31 đồng/ kWh.
Trong năm 2012, tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá bán lẻ điện đến 31/12/2012 là hơn 19.877 tỷ đồng. Trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện đến 31/12/2012 là hơn 4.700 tỷ đồng. Lỗ chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán khoảng hơn 15.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), nếu tính riêng về sản xuất kinh doanh điện và đầu tư khác, trong năm 2012, EVN đã lãi khoảng 6.000 tỷ đồng. Trong đó lãi kinh doanh, sản xuất điện là 4.404,63 tỷ đồng, khoảng 2.000 tỷ là lãi từ các hoạt động khác. (Năm 2012, giá điện bán lẻ đã EVN tăng 2 lần, mỗi lần tăng 5% - PV).
Trước câu hỏi về tình hình kinh doanh năm 2013 của PV, ông Đinh Quang Tri cũng cho biết, mặc dù chưa có con số chính thức của kiểm toán, nhưng theo tính toán sơ bộ, năm nay Tập đoàn lãi khoảng 120 tỷ đồng.
Lý giải về khoản lãi này, ông Tri cho biết, việc Tập đoàn lãi trong hai năm liên tiếp 2012 và 2013 là do tăng trưởng điện thấp hơn dự kiến ban đầu đưa ra (dự báo ban đầu là 13%, nhưng tăng trưởng thực tế chỉ là 10%).
Cũng theo ông Tri, mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến bắt nguồn từ việc kinh tế khó khăn kéo nhu cầu điện giảm. Cùng với đó, nhiệt độ năm nay cũng mát hơn mọi năm. Đồng thời, chương trình tiết kiệm điện cũng đã được thực hiện tốt. “Tất cả những yếu tố này làm chi phí giá thành giảm xuống, kéo lợi nhuận của Tập đoàn tăng lên”, ông Tri chia sẻ.
Không tuyển nhân viên trong năm tới
Liên quan đến câu hỏi về lương thưởng của Tập đoàn trong năm nay 2014, ông Tri cho biết, hiện chưa hết năm 2013 nên chưa có báo cáo quyết toán cụ thể về lương, thưởng của cán bộ, nhân viên EVN.
Về vấn đề nhân sự, ông Tri cũng cho biết, do nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, vừa qua, Hội đồng Quản trị EVN đã quyết định trong năm tới, sẽ không tuyển thêm lao động mới vào làm việc tại tập đoàn. Chỉ tiến hành luân chuyển giữa các bộ phận. Nếu có trường hợp đặc biệt, phải báo cáo và Chủ tịch EVN sẽ quyết định.
Riêng về tình hình tài chính của Tập đoàn, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, hiện tại Tập đoàn đã cân bằng được tài chính. Tuy nhiên, khả năng đi vay vốn của EVN trong thời gian tới vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do, hiện tập đoàn này đang đứng ra làm đại diện đi vay vốn cho các tổng công ty trực thuộc để đầu tư. Những công ty này vốn dĩ không vay được vì có số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt 3 lần, trong khi EVN chỉ khoảng 1,8.
Mặc dù vậy, ông Tri cũng cho rằng, nếu cứ tiếp tục đi vay và cho vay lại, chắc chắn trong thời gian tới, số nợ trên vốn chủ sở hữu của EVN sẽ tăng cao, do đó sẽ khó đáp ứng được điều kiện vay vốn của các ngân hàng.
Việc kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 của EVN do kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) kiểm toán; báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính có kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện; tài liệu do các đơn vị được kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của Tổ công tác.