EVN còn độc quyền, Việt Nam đã thực sự có thị trường điện cạnh tranh?

Tuyết Nhung |

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thẳng thắn nói, thị trường điện của Việt Nam chưa thể gọi là có cạnh tranh. “Trong trường hợp này, công ty mẹ đứng ra cạnh tranh để lẩn luật cạnh tranh. Chừng nào EVN vẫn khống chế thì không có cạnh tranh. Thêm vào đó, giá điện vẫn do nhà nước quyết định. Không có thị trường nào giá do nhà nước quyết định là thị trường cạnh tranh”.

Trong khuôn khổ hội thảo “Kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở CHLB Đức và bài học đối với Việt Nam”, báo cáo tổng quan về thị trường điện ở Việt Nam những năm vừa qua, chuyên gia Cao Đạt Khoa cho rằng, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật tự do hóa khi thực hiện cạnh tranh trong khâu phát điện.

Trong đó, thế độc quyền nhà nước của EVN đã được xóa bỏ, từ chỗ sở hữu toàn bộ năng lực phát điện đến chỗ chỉ nắm giữ 20% năng lực phát điện tại công ty mẹ và 40% tại các Tổng công ty phát điện.

Cũng theo ông Khoa, EVN đang tích cực thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện, khi đủ điều kiện sẽ tách ra độc lập với EVN, phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam và khả năng tham gia của các nhà đầu tư.

Phản đối quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng, ở Việt Nam chưa thể gọi là có cạnh tranh.

“Trong trường hợp này, công ty mẹ đứng ra cạnh tranh để lẩn luật cạnh tranh. Chừng nào EVN vẫn khống chế thì không có cạnh tranh.

Thêm vào đó, giá điện vẫn do nhà nước quyết định. Không có thị trường nào giá do nhà nước quyết định là thị trường cạnh tranh”, ông Cung nói.

Cho rằng góc nhìn của TS. Nguyễn Đình Cung hơi tiêu cực, ThS. Lê Đồng Hải, chuyên gia thị trường điện khẳng định, thị trường điện từ trước đến nay có độc quyền tự nhiên.

EVN đã bước đầu xây dựng được thị trường phát điện cạnh tranh, đảm bảo lộ trình Chính phủ đề ra.

“Vấn đề là ngành điện đang thiếu các con số để chứng tỏ tính minh bạch.

Việc tách bạch giữa chính sách xã hội và hiệu quả kinh tế cần làm rõ. Nhiều nơi muốn đầu tư vào điện nhưng không có thông tin gì”, ông Hải giải thích.

Ông Hải cũng cho biết, trong tương lai gần, EVN sẽ chuẩn bị được cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo thị trường bán buôn cạnh tranh theo đúng kế hoạch.

Theo đó, để tiến tới thị trường bán buôn cạnh tranh hoàn chỉnh vào năm 2019, giai đoạn vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm sẽ được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018 nhằm thử nghiệm và đánh giá các cơ chế, đồng thời rút kinh nghiệm thực tế trong quá trình thí điểm.

Nhận định về đề án phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đề án đang thiếu thể chế và các yếu tố kỹ thuật để vận hành thị trường giao dịch một cách hiệu quả.

“Dưới tác động thể chế, có hai điểm mấu chốt của nền kinh tế là phải tách được tiền lãi ra khỏi phân phối và sản xuất, đồng thời đảm bảo thị trường để các doanh nghiệp được cạnh tranh công bằng.

Vấn đề này Việt Nam đang rất thiếu”, ông Cung phân tích.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, xây dựng thị trường điện có năng lực cạnh tranh chắc chắn là việc phải làm.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nên được nghiên cứu, sửa đổi nếu luật đó chưa đáp ứng được yêu cầu của thể chế kinh tế thị trường năng lực cạnh tranh.

“Đúng là sau bao nhiêu năm cải cách, chúng ta có thay đổi thật.

Nhưng nếu so sánh thay đổi này với yêu cầu đạt được thì rõ ràng vẫn còn quá xa. Chính phủ nên tìm các giải pháp hơn là thỏa mãn những gì đã làm được”, ông Cung kết luận tại buổi hội thảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại