Ế 24.000 lượng vàng trong ngày đầu đấu thầu vàng miếng

Theo Vneconomy |

Trong ngày đầu tiên diễn ra phiên đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng chỉ bán được 2.000 lượng.

Sáng nay (28/3), Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên, mở đầu kế hoạch tham gia bình ổn thị trường vàng.

Khác với các phiên đấu thầu khác trên liên ngân hàng, phiên đấu thầu vàng miếng sáng nay diễn ra theo cách "thủ công". Nguyên do, nếu thành viên là các tổ chức tín dụng, việc kết nối trực tuyến hệ thống là thuận lợi; nhưng thành viên là các công ty kinh doanh vàng, yếu tố công nghệ chưa cho phép.

Vì chủ yếu bằng thủ công nên đến thời điểm này kết quả cuối cùng vẫn chưa được chốt lại để công bố ra thị trường.

Có 21 thành viên đăng ký tham gia phiên đấu thầu sáng nay. 2.000 lượng đã được chốt và bán, đồng nghĩa với 24.000 lượng bị “ế”, với mức giá chào bán rất cao so với giá đang giao dịch trên thị trường bán lẻ.

Kết quả diễn biến sơ bộ trên có thể khiến nhiều người thất vọng, khi đặt trong yêu cầu bình ổn thị trường, tung hàng thu hẹp chênh lệch giá trong nước và thế giới… Vấn đề này đã được VnEconomy đặt ra với một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước.

Ế 24.000 lượng vàng đấu thầu: Vì sao giá quá cao?
 

Theo quan điểm của vị lãnh đạo này, trước hết, quy mô 26.000 lượng được cho là rất lớn khi mà hầu hết các thành viên tham gia đều rất thận trọng, nhất là với diễn biến giá đang diễn biến phức tạp những ngày qua.

Thứ hai, mức giá khởi điểm mà Ngân hàng Nhà nước xác định 43,81 triệu đồng/lượng, cao hơn hẳn so với giá trên thị trường cuối chiều hôm qua và đầu giờ sáng nay khoảng 400 nghìn đồng/lượng, là có "lý do riêng".

“Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá, đặc biệt là không để bù bỗ cho ai cả. Việc xác định giá được tính toán để đảm bảo nhiều yêu cầu, đảm bảo lợi ích của Nhà nước mà ở đây là dự trữ ngoại hối, là tài sản của Nhà nước. Điều quan trọng nhất hiện nay là thị trường thiếu cung, Ngân hàng Nhà nước tạo cung cho thị trường”, vị lãnh đạo trên nói.

Theo đó, mức giá gây bất ngờ khi quá cao với giá thị trường tại cùng thời điểm được xác định trên cơ sở mức bình quân mà các tổ chức mua vào trong thời gian gần đây. Nó loại trừ các hiện tượng bán khống, trục lợi và cả khả năng bù lỗ cho những đối tượng nào đó.

Tình huống được phân tích là, thời gian qua giá vàng trong nước bán ra phổ biến trên 43,8 triệu đồng/lượng, nhưng chỉ qua vài ngày “bị đè” xuống còn 43,2 - 43,4 triệu đồng/lượng, đặc biệt là trong chiều qua. Theo đó, hôm nay có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ bán giá thấp hơn nữa, các đầu mối mua vào bù lại lượng bán ra giá cao vừa qua, thu chênh lệch.

Tránh những tình huống như vậy, nhưng mức giá Ngân hàng Nhà nước chào bán cao liệu có đạt được mục tiêu là dần thu hẹp chênh lệch giá trong nước với giá thế giới?

Vị lãnh đạo cao cấp trên trả lời rằng: “Không thể qua một phiên để giải quyết thị trường. Thậm chí chúng tôi đã dự phòng trước sẽ có phản ứng về mức giá chào bán đó. Song, Ngân hàng Nhà nước là người mua bán cuối cùng, thị trường thiếu cung thì tạo cung.

Nếu giá xuống một cách thực tế thì sẽ bán giá xuống đúng thực tế, chứ không đi bù lỗ, bán giá thấp cho bất cứ ai mà ảnh hưởng đến tài sản Nhà nước. Thực tế mức giá sáng nay vẫn có tổ chức đặt thầu, vẫn có mua”.

24.000/26.000 lượng vàng bị “ế”! Song, kết quả trên cũng phát đi một thông điệp: những tổ chức chấp nhận mức giá đó là nhu cầu thực, còn cơ hội để mua giá thấp và ra thị trường bán giá cao là khó, hay hạn chế những tình huống bán khống hoặc đè giá kiếm lời.

Và đây là phiên đầu tiên, mang tính thăm dò, qua đó để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng tổ chức các phiên sắp tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại