Ngày 25/2/2016, Hội đồng quản trị Vinamilk (VNM) đã quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của công ty tại Campuchia khi giấy phép hoạt động của văn phòng này hết hạn vào ngày 5/3/2016.
Thông này được công bố mà không hề có giải thích cụ thể hơn đã khiến rất nhiều người nhầm tưởng rằng Vinamilk sẽ rút hoạt động kinh doanh khỏi thị trường này.
Tuy nhiên thực tế thì hoạt động kinh doanh của Vinamilk tại Campuchia vẫn diễn ra bình thường.
Vinamilk đã liên doanh cùng đối tác Campuchia đầu tư xây dựng nhà máy sữa để trực tiếp kinh doanh tại thị trường này nên việc duy trì văn phòng đại diện không còn cần thiết.
Vốn dĩ văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh mà chỉ có vai trò “đại diện” cho công ty thực hiện một số hoạt động.
Chúng tôi đã liên hệ với đại diện của Vinamilk và phía công ty đã xác nhận vấn đề này.
Động lực tăng trưởng đến từ thị trường nước ngoài
Đến cuối năm 2015, Vinamilk đã đầu tư 218 tỷ đồng, nắm giữ 51% cổ phần của Angkor Dairy Products – công ty con phụ trách hoạt động sản xuất kinh doanh sữa tại Campuchia.
Trong những năm gần đây, Vinamilk đã rất chú trọng phát triển hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài.
Ngoài công ty Angkor Dairy tại Capuchia, Vinamilk còn sở hữu công ty Driftwood tại Mỹ, công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan và nắm 22% cổ phần của công ty Miraka tại New Zealand.
Năm 2015, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Vinamilk đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2014 và chiếm 1/5 tổng doanh thu.
Doanh thu từ thị trường nước ngoài bao gồm doanh thu xuất khẩu và doanh thu từ các công ty con tại nước ngoài.
Trong khi đó, doanh thu nội địa của Vinamilk chỉ tăng trưởng 9%.
Đáng chú ý là lợi nhuận gộp từ thị trường nước ngoài tăng tới 170% lên 3.363 tỷ đồng. Nhờ sự tăng trưởng vượt trội này mà tỷ suất lợi nhuận của thị trường nước ngoài đã cao hơn trong nước.