Chồng chất sai lầm
Theo số liệu của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9, có 619 khách hàng cá nhân đã được các ngân hàng cam kết cho vay hơn 203 tỷ đồng và số tiền đã giải ngân là hơn 142 tỷ đồng (khoảng 0,5% gói 30.000 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, gói 30 nghìn tỷ, không thể cứu được thị trường BĐS và đã thất bại thảm hại vì suốt 4-5 tháng tiêu thụ chưa được 1%, 6 tháng sau có thể chỉ thêm 1%. Càng ngày càng khó vì sản phẩm không có, chủ yếu sản phẩm ế là những sản phẩm có diện tích lớn, giá cao.
“Nếu không có bất kỳ sự can thiệp hay thay đổi nào, tôi đảm bảo đến tháng 6/2014, cũng chỉ giải ngân được khoảng 2%. Gói 30.000 tỷ chỉ là chất kích thích, không nên trông chờ, vì thật sự không có tác dụng”, ông Đực nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà ở thương mại nhiều, chủ đầu tư chấp nhận giảm giá bán, thu hẹp diện tích căn hộ để đáp ứng yêu cầu nhà ở xã hội để bán nhưng thủ tục rườm rà mất nhiều tháng mới phê chuẩn vài dự án mặc dù nhà ở xã hội phải hoàn thành ít nhất trong 6-7 tháng tới.
Ông Đực cho biết, thị trường BĐS sẽ tiếp tục ảm đạm, đây là hậu quả của sự lạc quan thái quá, ưu đãi. “Hơn 1 năm trước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã lạc quan một thái quá khi nói thị trưởng BĐS đang khởi sắc”, ông Đực nói.
Ông dẫn chứng, thống kê của Bộ, Sở xây dựng nói TP Hồ Chí Minh có khoảng 12.000 căn hộ chung cư tồn kho nhưng thực tế riêng quận 7, 2 đã có 10.000 căn hộ. Sau khi bán 4.000 căn đã ra thông báo, phá băng 30% hàng tồn kho.
Cùng quan điểm, ông Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai gói 30.000 tỷ quá chậm , lượng giải ngân quá ít. Nhà ở thương mại đang dư thừa , nhà ở xã hội đã bán đến năm 2015 mới đưa vào sử dụng, người mua nhà vẫn chưa có nhà để ở, hàng tồn kho vẫn tiếp tục tồn kho.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, 30.000 tỷ đồng đưa vào thực hiện chính sách nhà ở xã hội sai lầm, chính sách nhà ở xã hội cần nhưng không thể cứu nguy được nền kinh tế.
Chuyển hướng sang nhà ở phổ cập
Ông Phạm Sỹ Liêm đề xuất, Chính Phủ và Bộ xây dựng phải lấy phát triển nhà ở phổ cập làm trọng tâm và 30.000 tỷ để thúc đẩy cho thị trường sản xuất nhà ở phổ cập. Theo ông Liêm, nhà ở phổ cập là nhà cho người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận với giá phải trả hàng tháng chiếm 30% tổng thu nhập.
Nhà ở phổ cập cho tầng lớp thu nhập trung bình ở Hà Nội, với mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm, có khả năng mua nhà với giá 500-600 triệu đồng diện tích 50-60m2, tương đương 10 triệu/m2.
“Nếu thúc đẩy loại nhà này, người có 500-600 triệu có rất nhiều và là nhà thương mại, không phải xét, ai muốn mua thì mua. Thúc đẩy điều này sẽ có cầu. còn hiện tại giá nhà quá cao, nếu giảm còn 10-12 triệu đồng cũng không ai mua vì nhà ở ngoài thành phố, quá xa khu trung tâm, tiền xăng xe để đi làm hàng ngày quá nhiều, có nhà giá rẻ cũng không mua”, ông Liêm nói.
Ông Liêm phân tích thêm, lãi suất hỗ trợ giảm từ 10% xuống 8%, chủ đầu tư sẽ làm nhà, người mua sẽ được hỗ trợ tiền, không đặt điều kiện về việc bán cho ai, xây ra là bán được ngay. Bản thân ngân hàng cũng dễ chịu. Như vậy có thị trường, có người mua người bán, thị trường vận tải xây dựng, vật liệu xây dựng cũng phát triển trở lại. Nhà nước muốn giúp đối tượng nào thì cho đối tượng ấy được tiếp cận đầu tiên.
“Từ đầu năm đến giờ rất rắc rối, tiền không thể giải ngân được. Vẫn còn kịp nếu thay đổi ngay lập tức. Còn tiếp tục, một vài dự án bán được rất ít không thể cải thiện được tình hình”, ông Liêm nói.