Tại Dự thảo lần 3 Thông tư quy định về xử lý tiền giả, nghi giả trong ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nêu rõ, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn và khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã được NHNN (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản, NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập biên bản thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả.
Đối với tiền giả loại mới (là loại tiền giả chưa được NHNN hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản), các đơn vị trên lập biên bản, thu giữ mà không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả. Đồng thời, thông báo và gửi toàn bộ tiền giả loại mới trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện về NHNN chi nhánh trên địa bàn.
Hình minh họa
Đơn vị thu giữ tiền giả có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả hoặc khi phát hiện tiền giả loại mới hoặc phát hiện từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.
NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch có trách nhiệm đóng gói, niêm phong tiền giả. Niêm phong tiền giả được thực hiện theo quy định về niêm phong tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước nhưng phải được đóng dấu “TIỀN GIẢ” để phân biệt với tiền thật.
NHNN tổ chức thu hồi tiền giả do các tổ chức, cá nhân chủ động giao nộp hoặc bị phát hiện, thu giữ trong giao dịch tiền mặt với NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. NHNN tổ chức tiêu huỷ tiền giả theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Việc tiêu huỷ tiền giả là tang vật của các vụ án hình sự thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.