Sáng 9/10, ngay con kênh cặp lộ ở ấp An Hoà A (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) tấp nập ghe chờ chở đất sét từ ruộng ra, để vận chuyển lên các lò gạch ở Vĩnh Long.
Theo lời một thương lái tên Sương, chị mua đất mặt ruộng của nông dân rồi khai thác lớp đất sét bán lại cho các lò gạch đã nhiều năm nay.
“Trung bình 1 công ruộng (1.000 m2) tôi mua với giá 14 triệu đồng. Sau đó thuê khoảng 15 nhân công lấy đất, ép thành khuôn, vận chuyển ra ghe…”, chị Sương nói.
Nhờ có công việc này mà người dân tại địa phương làm thuê và có nguồn thu nhập. Có người tự chế ra xe chở đất từ chiếc máy cày để chở thuê, trừ chi phí dầu mỗi ngày cũng kiếm thêm 300.000 đồng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại xã Bình Ninh có khoảng 4 địa điểm được thương lái đặt máy ép đất gần mặt lộ để mua đất ruộng của dân, tập trung ở ấp An Hoà và An Hoà A.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, tại ấp An Hoà và An Hoà A là vùng đất gò cao, tốn nhiều chi phí bơm tưới, UBND huyện đã trình UBND tỉnh Vĩnh Long đề án khai thác, cải tạo đất và đã được chấp nhận.
Lớp đất ruộng chỉ được đào sâu 0,3 m để đảm bảo sản xuất lúa cho vụ sau.
Nhiều hộ nông dân cho biết, sau khi bán 1 lớp đất ruộng, chỉ cần cho nước phù sa vào là vụ sau vẫn có thể sạ lúa bình thường mà lại không tốn chi phí bơm nước như trước.
Tuy nhiên, PGS.TS Võ Quang Minh, Trưởng bộ môn Tài nguyên đất đai (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - ĐH Cần Thơ), lại khuyến cáo rằng, nếu việc khai thác đất mặt ruộng quá đà, ngành chức năng không kiểm soát sẽ dẫn đến hệ lụy là bề mặt ruộng đất lồi, lõm, nơi thấp, nơi cao, đất dễ bị lún không thể cơ giới hóa.
Chưa hết, những nơi bị khai thác quá sâu có thể làm phèn trào lên, ảnh hưởng đến sản xuất hoặc không thể trồng lúa được.