Từ hoành tráng cho tới bế tắc
Tỉnh Kiên Giang vừa cho biết đang hoàn tất thủ tục, trình Chính phủ xem xét, xử lý dứt điểm đối với dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (công suất 4.400 - 5.200MW) do Công ty cổ phần năng lượng Tân Tạo (Itaco) thuộc Tập đoàn Tân Tạo (ITA) làm chủ đầu tư.
Đề nghị thu hồi dự án 6,7 tỷ USD được đưa ra trong bối cảnh dự án đã tạm ngừng triển khai từ tháng 8/2010 cho tới nay. Trước đó, ngày 28/2/2013, Kiên Giang đã ra hạn chót tới 30/6/2013 nếu công ty này không triển khai dự án, tình sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết trình Chính phủ xem xét, thu hồi giấy phép đầu tư.
Đây lại là một sự cố nữa đối với tập đoàn của đại gia Đặng Thành Tâm - người giàu nhất trên TTCK năm 2007 và bà Đặng Thị Hoàng Yến (chị ông Tâm).
Trước đó, ông Tâm đã gặp rất nhiều sự cố và từng phải thốt lên "tôi sợ lắm rồi", thừa nhận thất bại khi đầu tư vào ngân hàng, thừa nhận đang nợ 500 triệu USD, thua lỗ khi đầu tư vào viễn thông. Dường như các dự án càng lớn khiến cho các đại gia giờ đây càng đau đầu trong thời buổi khó khăn.
Trước đó, giới đầu tư cũng chứng kiến rất nhiều dự án hoành tráng đã làm nổi sóng tên tuổi của các "ông lớn" nhưng sau đó lại là nhân tố kéo các DN vào khó khăn như trường Vinaconex (VCG) với Splendora và ParkCity .
Với Splendora, cách đây vài năm, giới đầu tư đặt rất nhiều kỳ vọng vọng vào dự án 2 tỷ USD này bởi quy mô, vị trí đẹp, khả năng sinh lời cao, đối tác xịn (Posco - Hàn Quốc) nhưng thực tế thì ngược lại.
Do thị trường BĐS trầm lắng, việc bán hàng của dự án không như kỳ vọng rồi những những xung đột giữa hai đối tác, từ vấn đề tiến độ dự án, có vay tiền để đảm bảo tiến độ hay không... cho đến những tranh chấp, kiện tụng giữa khách hàng và chủ đầu tư... Kết quả là, VCG đã phải tìm cách nhượng lại cổ phần trong liên doanh dù là bán tất, bán từng phần.
Trước Splendora, Vinaconex từng thất bại với Khu đô thị mới ParkCity (liên doanh với Perdana ParkCity (S)Pte, Malaysia) và đã quyết định thoái toàn bộ vốn vào năm 2012. Doanh nghiệp này cũng đang xắn tay xử lý một "trái đắng" nữa là Xi măng Cẩm Phả.
Mất mặt với dự án lớn
Vướng vào các dự án lớn, nhiều đại gia thực sự đau đầu bởi phải đổ ra lượng vốn là khổng lồ, có thể ảnh hưởng tới cục diện hoạt động cũng như tình hình tài chính của toàn DN. Trong trường hợp Vinaconex, DN này đã phát đi thông tin thoái vốn tại Splendora khá lâu và nhiều NĐT cả trong nước và ngoài nước đã đến tìm hiểu, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có tín hiệu nào cho thương vụ chào bán khủng này.
Việc tái cấu trúc Xi măng Cẩm Phản cũng là một vấn đề gai góc. Việc tìm được các NĐT tham gia tái cấu trúc dự án này rất khó khăn bởi số tiền cần đổ vào là rất lớn.
Còn với Tân Tạo, nhiệt điện Kiên Lương là một trong những dự án từng được đánh giá giúp nâng tầm thương hiệu cho Tân Tạo bởi quy mô quá khủng (6,7 tỷ USD). Tuy nhiên, cho đến nay, dự án lại đang là điểm nóng trong lĩnh vực đầu tư, cũng như ngành điện bởi sự chậm trễ của dự án và nguy cơ vỡ kế hoạch của ngành điện.
Tân Tạo cho biết, tháng 8/2008, Chính phủ phê duyệt đồng ý cho tập đoàn làm chủ đầu tư dự án này. Về cơ bản, mặt bằng nhà máy nhiệt điện Kiên Lương giai đoạn I đã hoàn thành từ năm 2011, một số công trình phụ trợ như: khu văn phòng, khu nhà ở chuyên gia, sân đậu trực thăng... đã được hoàn thành từ năm 2010.
Tân Tạo cho biết, tập đoàn đã đầu tư khoảng 240 triệu USD vào dự án. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đã làm việc với các nhà tài trợ để thu xếp vốn cho dự án,. Tuy nhiên, do cơ chế BOO (đầu tư xây dựng - vận hành - sở hữu) chưa có tiền lệ dù Bộ KHĐT, Bộ Tư Pháp, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm. Song Chính phủ vẫn chưa quyết định vì vậy dự án chưa thể khởi công.
Ở chiều ngược lại, quyết định và những phát biểu gần đây của tỉnh Kiên Giang lại cho rằng, dự án đã tạm ngừng triển khai từ tháng 8/2010 do thiếu vốn. Hơn nữa, theo quy định chủ đầu tư phải có 20% vốn (tương đương khoảng 1,4 tỷ USD) mới có thể được xem xét vay vốn. Còn việc bảo lãnh của Chính phủ cho DN tư nhân vay vốn nước ngoài là không có trong quy định của pháp luật hiện hành.
Gần đây, theo UBND tỉnh Kiên Giang, đang có ít nhất bốn nhà đầu tư đến từ Singapore, Hồng Kông, Anh, Pháp chính thức có văn bản thể hiện mong muốn được đầu tư vào dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương.
Có thể thấy, trong vài năm gần đây, quy mô của nhiều dự án ngày càng lớn nhưng tốc độ triển khai dương như lại đang chậm đi. Lý do thì có nhiều, có khi là do DN thiếu vốn, doanh nghiệp khó khăn do khủng hoảng; có khi do thủ tục lắng nhằng, thiếu chính sách; và cũng có thể do giải phóng mặt bằng chậm... tất cả đang khiến cho những dự án khủng, rất được trông đợi triển khai chậm, kém hiệu quả, không đón góp cho phát triển kinh tế như kỳ vọng.
Thậm chí, ở chiều ngược lại các dự án triển khai chậm, chiếm đất, tồn đọng vốn, ảnh hưởng quy hoạch phát triển đang để lại những hậu quả gây nhiều bức xúc.