Lỗ triền miên, Nestlé thực sự có mang lại lợi ích cho cộng đồng?
Bên lề buổi ra mắt cuốn sách “Swiss Made - Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ”, bà Lê Thị Hoàng Yến, Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị đã thay mặt Nestlé để chia sẻ những bí quyết thành công của doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Theo đó, bà Lê Thị Hoàng Yến khẳng định: Nguyên tắc hoạt động của Nestlé đó là tạo ra giá trị chung. Có nghĩa là: Bất cứ hoạt động nào mà Nestlé làm đều mang tới 2 lợi ích: Lợi ích cho công ty và lợi ích cho cộng đồng người dân ở những nơi mà Nestlé đang hoạt động.
Tuy nhiên, phát ngôn này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Bởi Nestlé nói nguyên tắc hoạt động của công ty là đem lại lợi ích cho cộng đồng người dân ở những nơi mà Nestlé hiện diện nhưng tại Việt Nam, với 18 năm kinh doanh, Nestlé liên tục báo lỗ.
Mới đây, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi thành lập đến nay, công ty TNHH Nestlé Việt Nam lỗ hơn 30,8 triệu USD, tương đương 20% vốn chủ sở hữu. Việc đại gia thực phẩm - đồ uống này báo lỗ không khỏi gây bất ngờ bởi hãng này vừa có động thái mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với việc khánh thành nhà máy trị giá gần 250 triệu USD tại Đồng Nai. Ngày 9/7 vừa qua, nhà máy Nescafé mới đặt tại KCN Amata (Đồng Nai) của Nestlé khánh thành đã nâng tổng vốn đầu tư tập đoàn này tại Việt Nam lên trên 466 triệu USD.
Cũng giống như Nestlé, Coca Cola - một trong những "ông lớn" FDI tại Việt Nam, cũng liên tục kêu lỗ cả chục năm liền. Cụ thể, chỉ riêng năm 2010, Coca Cola lỗ 188 tỉ đồng (gần 9 triệu USD) và lỗ luỹ kế trong 1 thập kỷ gần đây lên tới 180 triệu USD.
Nghi án Coca Cola báo lỗ, chuyển giá để né thuế đã khiến cộng đồng người Việt bất bình, bức xúc. Tương tự như vậy, việc Nestlé lỗ triền miên, theo các chuyên gia kinh tế: thật sự rất bất công.
“Điều này vô tình tạo cơ chế cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong khi doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế đầy đủ thì doanh nghiệp nước ngoài vẫn dùng các chiêu thức chuyển giá để trốn thuế khiến cạnh tranh không bình đẳng...” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã từng lên tiếng trước giới truyền thông.
Có thể nói, trong một chặng đường kinh doanh khá dài - 18 năm, Nestlé chỉ có lãi trong 4 năm, mặc dù theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, Công ty đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam. Thậm chí, theo đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam, thì ngôi vị của Nescafé trên thị trường cà phê hòa tan là “bất khả chiến bại”.
Các nhãn hàng mà Nestlé đang sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Nescafé, sữa Nestlé, Milo, Nestea… đều đang được ưa chuộng.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao mười mấy năm qua, nắm thị phần tốt như vậy, Nestlé vẫn kinh doanh thua lỗ và vì sao đang lỗ lũy kế hơn 30 triệu USD vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam?
"Sành" khẩu vị của người bản địa nhưng Nestlé lại thua đau về cà phê?
Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Hoàng Yến, đại diện của Nestlé cũng đã cho biết: Nếu nói về thức ăn, thực phẩm của người địa phương thì Nestlé rất "sành". Tuy là một công ty đa quốc gia nhưng khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, Nestlé đã nghiên cứu rất kỹ khẩu vị, nhu cầu, thị yếu của người địa phương.
Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại so với phát ngôn của Nestlé. Đơn cử như chiến dịch phát triển loại cà phê nước của Nestlé đã thất bại hoàn toàn. Hiện nay, những sản phẩm Nescafé café Việt - dạng nước đậm đặc một thời được Nestlé quảng bá rầm rộ là một sự đột phá vượt bậc về công nghệ và sản phẩm của Nestle Việt Nam, đã không còn trên các kệ hàng ngoài thị trường nữa.
Cũng theo chia sẻ của giới marketing trong nghề, chiến dịch tổ chức chạy roadshow (một trong những hình thức quảng cáo ngoài trời) và truyền thông rầm rộ của Nestlé đã ngốn khoảng hơn 60 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, mọi quầy hàng hoá này ở các sạp, chợ hay sản phẩm trên kệ trong siêu thị đã dần biến mất. Đây có thể coi là một vố thua đau của Nestlé trong năm nay.
Nestlé cũng nói nguyên tắc hoạt động vì lợi ích cho cộng đồng của Nestlé được thể hiện qua dự án toàn cầu Nestle coffee brands nhằm cải tạo vườn cà phê Việt Nam đang bị già hóa.
Tuy nhiên, người tiêu dùng lại đặt câu hỏi đời sống thực sự Nestlé đang thực hiện dự án cà phê bền vững trên thực tế nào tại Việt Nam? Có được phép hoạt động hay không? Và kết quả ra sao? Có sự tham gia của chính quyền sở tại hay không? Có nghiên cứu đánh giá nào về giá trị mang lại cho cộng đồng địa phương một cách thực chất hay không?
Hay chỉ là những giấy tờ ký kết song phương của Nestlé với một bộ phận giới chức trong ngành nông nghiệp, mảng về ngành cà phê Việt Nam? Những dự án này có thực sự tạo ra sự bền vững cho ngành cà phê Việt Nam, giải quyết nghịch lý về sự thua thiệt của người dân trồng cà phê cho Việt Nam hay không hay chỉ là "mỹ phẩm" làm đẹp hồ sơ cho Nestlé tại Việt Nam?
Bởi vì hãy nhìn lại bài học của ngành cà phê Thái Lan cũng đã vì sự thao túng của những tập đoàn cà phê toàn cầu tại thị trường này mà giờ ngành cà phê Thái Lan hoàn toàn thuộc sự quản lý của các tập đoàn nước ngoài - tập đoàn ấy chính là Nestlé. Thậm chí, toàn bộ tiêu chuẩn chất lượng cà phê Thái Lan đều do Nestlé mang qua và trở thành chuẩn cà phê Thái Lan, Việt Nam lại lấy lại những tiêu chuẩn này của Thái Lan (mà gián tiếp là lấy lại và công nhận tiêu chuẩn của Nestlé) trong khi ai cũng hiểu kẻ đặt tiêu chuẩn là kẻ đặt luật chơi.
Tiêu chuẩn làm ra để một mặt kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm nhưng mặt khác của nó là áp đặt luật chơi mà người đặt ra có khả năng kiểm soát. Không hiểu thực tế về sản phẩm của mình, đặc tính nông sản, nguyên liệu của mình mà sao chép một cách máy móc tiêu chuẩn của nước ngoài thì muôn đời cũng chỉ là "nô lệ" làm theo họ mà thôi.
Trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hiện thực năm 2015, chính phủ Thái Lan đã phải tạo ra một chiến dịch mạnh mẽ nâng cao ý thức cộng đồng tiêu dùng các sản phẩm của chính Thái Lan với định vị Nông sản chất lượng nhất, cùng lúc kéo sự trỗi dậy của các thương hiệu cà phê địa phương của Thái Lan và biến thị trường này thành thị trường năng động bậc nhất khu vực với giá trị ngành cà phê mỗi năm trên 1,2 tỷ USD.
Việt Nam học được gì từ bài học này của Thái Lan? Việt Nam muốn trở thành người áp đặt luật chơi hay chấp nhận mãi mãi là quân tốt cho người ta chơi?
LTS: Quý vị nghĩ gì về chiêu thức chuyển giá để tránh đóng góp thuế cho Việt Nam của các tập đoàn nước ngoài? Các ý kiến phản hồi, bình luận xin gõ vào ô Viết bình luận phía dưới bài báo này. Trân trọng!