Đổi tiền mới phí "chát" "muốn bao nhiêu cũng có"

Hoàng Hòa |

Vừa đếm tiền lẻ đổi cho khách, bà chủ sạp hàng hương hoa gần cổng chùa Quán Sứ vừa liếc nhìn xung quanh nói: “Càng gần Tết, Công an tuần tra càng nhiều. Phải cận thận, lỡ chẳng may công an đi bắt được là chết, đi tong chục triệu chứ trả chơi”.

Cận Tết, dịch vụ đổi tiền lẻ không còn công khai như trước nhưng khách hàng có nhu cầu đổi bao nhiêu các chủ quầy cũng đáp ứng được.

Tại các cổng đền, chùa, phủ ở Hà Nội dịch vụ đổi tiền lẻ đã được chuyển từ dịch vụ công khai sang dịch vụ “bí mật”.

Số tiền lẻ được một số người giấu bên dưới những sạp hàng vàng mã, hương hoa, khách cần đổi bao nhiêu cũng có. Giá đổi còn tùy thuộc vào mệnh giá. Tiền mệnh giá thấp, mới thì phí đổi càng cao.

Năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện việc không đưa tiền mới có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên Đán.

Đó cũng là những mệnh giá mà người dân hay dùng để đi lễ chùa đầu năm. Vì vậy, với quy định này, những quầy hàng đổi tiền lẻ lại càng có dịp “chặt chém” khách hàng.

Tại lối vào phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), hàng chục quầy đổi tiền lẻ vẫn được bày ra công khai trong những tủ kính, xen kẽ với các mặt hàng vàng mã, nến, hương.

Giá đổi ở đây đều được các tiểu thương treo biển niêm yết, khách hàng không thể mặc cả.

Trung bình cứ đổi 100 ngàn đồng mệnh giá 1.000 đồng thì khách nhận lại 80 ngàn đồng tiền lẻ mới, đổi tiền lẻ mệnh giá 500 đồng thì chỉ được nhận lại 70 ngàn đồng.

Có mặt tại chùa Quán Sứ, việc đổi tiền lẻ không được công khai như bên phủ Tây Hồ, nhưng khi khách hàng hỏi có tiền lẻ đổi không, nhiều chủ hàng ngồi gần cổng chính chạy ra giành khách, dõng dạc: “Em cần bao nhiêu cũng có!”.

Tại đây, người bán hàng ngang nhiên chèo kéo, mời mọc khách vào đổi tiền, mua hàng. Họ không bày những cọc tiền công khai trên sạp mà cất giấu rất kỹ trong nhiều lớp túi bóng màu đen dưới các sạp hàng.

Các tiểu thương bán vàng mã hai bên cổng chùa chính là nguồn đổi tiền lẻ của nhiều khách hàng. Họ có sẵn nhiều mệnh giá tiền lẻ từ 500 đồng đến 20.000 đồng.

Giá đổi phụ thuộc vào mệnh giá tiền và số tiền đó còn mới, nguyên seri hay không.

Khi đổi 100 ngàn với mệnh giá 5.000 đồng, khi đổi khách hàng chỉ nhận lại được từ 80-85 ngàn đồng tiền lẻ. Nếu muốn tiền lẻ mới còn liền seri thì chỉ đổi được từ 70-75 ngàn đồng tiền lẻ.

Để lôi kéo khách hàng, nhiều chủ quầy còn bảo, muốn đổi bao nhiêu cũng có, đổi tiền triệu cũng được.

Nếu đổ lớn, hàng chục triệu thì phải đặt cọc trước, hôm sau sẽ có người đến giao tiền theo đúng địa chỉ rồi thanh toán nốt.

Tuy nhiên, những người đổi tiền ở đây chỉ đồng ý đổi từ 100 ngàn đồng trở lên bởi 50 ngàn ít quá, không bõ đếm?!

Vừa đếm tiền lẻ đổi cho PV, bà chủ sạp hàng vừa liếc nhìn xung quanh rồi bảo: “Càng gần tết, Công an tuần tra càng nhiều. Phải cận thận, lỡ chẳng may công an đi bắt được là chết, đi tong chục triệu chứ trả chơi”.

Hiện nay, nhiều trang mạng công khai quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết Bính Thân 2016. Tại các website như: photien, doitienmoi, doitien.net... đã tung ra nhiều quảng cáo hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Cụ thể, họ quảng cáo đổi cả các mệnh giá từ nhỏ nhất từ 200 đồng đến 10.000 đồng cho tới các mệnh giá lớn hơn như 20.000, 50.000 đồng, thậm chí 200.000 đồng.

Ngoài ra còn có sẵn tiền ngoại tệ có seri đẹp, tiền in hình con khỉ may mắn cho năm Bình Thân.

Tuy nhiên, giá đổi ở các website này cao ngất ngưởng so với bên ngoài.

Phí đổi loại tiền 200, 500 đồng lên tới 80%. Có nghĩa là bạn bỏ ra 100 ngàn đồng sẽ chỉ nhận lại 20.000 đồng tiền 200 đồng hoặc 500 đồng, với lý do NHNN không in các mệnh giá tiền lẻ từ 5000 trở xuống thì đổi càng đắt.

Ngược lại, với các loại mệnh giá cao hơn từ 1.000 đến 5.000 đồng mức phí giảm dần theo từng mệnh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại