Ngay đầu phố Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) đã có đến mấy chục quầy kinh doanh dịch vụ này. Có nhiều loại tiền mệnh giá khác nhau được kinh doanh, từ tiền 500 đồng đến 100 ngàn đồng, nhưng nhiều nhất vẫn là các loại tiền giấy có mệnh giá thấp như: 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng và 5000 đồng.
Phí đổi các loại tiền này thường cao hơn so với loại tiền mệnh giá lớn. Đơn cử như nếu đổi 100 ngàn đồng tiền 500 đồng hoặc 1000 đồng thì mất 20 ngàn tiền phí; đổi 100 ngàn tiền mệnh giá 2000 đồng và 5000 đồng mất 15 ngàn tiền phí; các loại tiền 10 ngàn, 20 ngàn, 50 ngàn mất từ 10 đến 15 ngàn tiền phí.
Anh Thanh Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Dịp Tết, tiền mừng tuổi nhiều nên tôi ra đây đổi tiền mới với các mệnh giá 50 ngàn và 100 ngàn đồng. Về mức phí cũng tạm chấp nhận được”.
Còn cô Hoài (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) thổ lộ: “Ra Giêng, gia đình tôi đi lễ chùa nhiều nên cần lượng tiền lẻ lớn. Hôm nay, tôi đổi 500 ngàn đồng các loại mệnh giá từ 500 đến 5000 đồng”.
Hiện nay, các ngân hàng cấm nhân viên đổi tiền mới nhằm trục lợi cá nhân, nhưng trước tình hình nở rộ dịch vụ đổi tiền này mới biết quy định trên vẫn còn nhiều lỗ hổng. Một người làm dịch vụ tại đây cũng thừa nhận rằng đã tiến hành móc nối với một số nhân viên ngân hàng mới có tiền mới để đem đổi.
Chia sẻ với chúng tôi về dịch vụ này, chị Hoài, một chủ quầy, cho biết: “Tính ra một ngày lượng tiền giao dịch lên đến gần 20 triệu đồng. Ít ngày nữa chắc chắn lượng tiền đổi sẽ tăng đột biến”.
Như vậy nếu tính bình quân một quầy dao dịch trong vòng nửa tháng, số tiền cũng lên đến ngót ghét 300 triệu đồng, tiền lời nếu tính thấp nhất 10% thì một sạp đổi tiền cũng bỏ túi trên dưới 30 triệu đồng.