Trước khi hạt nêm trở nên phổ biến với người tiêu dùng hiện nay, bột ngọt là thứ gia vị không thể thiếu của nhiều bà nội trợ Việt Nam.
Khi nhắc đến sản phẩm này, những thương hiệu trở nên quen thuộc với người Việt gồm Ajinomoto, Vedan và Miwon. Trong khi Ajinomoto đến từ Nhật Bản thì Vedan lại có xuất phát từ Đài Loan.
Tập đoàn Vedan được thành lập tại Đài Loan năm 1954 tại Đài Trung, Đài Loan với tên ban đầu là Ve Cheng Food và trở thành người dẫn đầu thị trường amino axit tại đây.
Đến năm 1970, công ty này được đổi tên chính thức thành Vedan như hiện nay. Tháng 6 năm 2003, Vedan tiến hành IPO và niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong.
Từ hoạt động kinh doanh ban đầu là các sản phẩm amino axit, hiện Vedan còn sản xuất mỹ phẩm dưới thương hiệu Bi’Zin, thực phẩm dinh dưỡng, thương mại.
Theo công bố của Vedan, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 (tính đến 30/06) đạt 158 triệu USD với lợi nhuận ròng đạt mức 25,7 triệu USD.
Việt Nam mang về hơn 'nửa túi tiền' cho Vedan
Một điều khá thú vị trong số liệu doanh thu nửa đầu năm nay của tập đoàn Vedan cho thấy Việt Nam là thị trường đóng góp đến 52,5% tỷ trọng. Bỏ xa Nhật Bản - thị trường đóng góp doanh thu lớn thứ 2 với tỷ lệ 20%.
Vedan đặt chân đến Việt Nam từ khá sớm vào năm 1991, cùng thời điểm với Ajinomoto Việt Nam.
Sau gần ¼ thế kỷ, hiện Vedan Việt Nam đã xây dựng được hệ thống khá khép kín từ nhà máy tinh bột nước đường, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột biến tính, nhà máy Lysine,…cho đến cảng chuyên dùng Phước Thái Vedan.
Trên thị trường quốc tế, Vedan Việt Nam là một trong những nhà sản xuất tiên tiến hàng đầu tại khu vực Châu Á trong lĩnh vực sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ lên men sản xuất ra các sản phẩm Axít Amin, chất điều vị thực phẩm, sản phẩm tinh bột.
Sản phẩm của Vedan Việt Nam được tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu cho các công ty cung ứng thực phẩm, công ty thương mại quốc tế tại thị trường các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các nước Đông Nam Á, các nước tại Châu Âu.
Cũng như Ajinomoto Việt Nam, từ hoạt động sản xuất bột ngọt ban đầu, Vedan cũng tận dụng và mở rộng sản xuất các sản phẩm khác nhằm tận dụng dây chuyền sản xuất như: Sản phẩm tinh bột, sản phẩm hóa học đặc biệt, phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm khác.
Vedan cũng chính là nhà sản xuất sản phẩm ăn vặt hạt hướng dương ChaCheer và trà xanh với nhãn hiệu Thiên Trà.
Đây là bước đi khá khôn ngoan khi trên thị trường hiện nay sản phẩm ăn vặt này chủ yếu được đóng gói thủ công, chưa có bao bì hay thương hiệu đảm bảo chất lượng.
Năm 2000, đối thủ của Vedan là Ajinomoto tung sản phẩm hạt nêm đầu tiên trên thị trường và khá thành công khi là một trong 3 thương hiệu nước ngoài gồm cả Knorr, Maggi chi phối thị trường hạt nêm Việt Nam.
Cả ba ông lớn này đang chiếm hơn 90% doanh thu. Mặc dù Vedan sau này cũng ra sản phẩm hạt nêm Vedan nhưng không ghi được dấu ấn và bị hụt hơi trong cuộc đua thị trường hạt nêm.
Năm 2014, doanh thu của Vedan Việt Nam đạt gần 6.300 tỷ đồng, xấp xỉ con số trên 6.400 tỷ đồng của Ajinomoto Việt Nam.
Tai tiếng gắn liền với sông Thị Vải
Năm 2014, doanh thu của Vedan Việt Nam đạt gần 6.300 tỷ đồng, xấp xỉ con số trên 6.400 tỷ đồng của Ajinomoto Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam là thị trường quan trọng của Vedan nhưng doanh nghiệp này tỏ ra khá thờ ơ với việc sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường
Tháng 9 năm 2008, đoàn kiểm tra liên ngành bộ tài nguyên môi trường sau khi thanh tra tại nhà máy Vedan phát hiện ra mỗi tháng công ty này xả 105.600 m3 dịch thải sau khi lên men thẳng ra sông Thị Vải.
Điều đáng nói là dịch thải này có mức độ gây hại hơn nhiều so với nước thải. Theo lời khai của 1 trong 2 nhân viên Đài Loan Lin Mao Fu vận hành hệ thống xả thải bí mật của Vedan thì hệ thống này đã vận hành từ năm 1994.
Bán kính vùng ô nhiễm do Vedan gây ra có phạm vi 10 km dọc bờ sông, khiến cho nguồn nước tại vùng này bị ô nhiễm nặng nề.
Trong cuộc họp năm 2009, Viện Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM công bố kết quả nghiên cứu dựa trên các quan trắc kỹ thuật, cho thấy Vedan đã gây ra 80-90% ô nhiễm cho sông Thị Vải.
Với những ồn ào quanh việc phá hủy môi trường, thương hiệu Vedan dường như trở nên xấu đi trong mắt người tiêu dùng.
Đồng thời trước xu hướng tiêu dùng chú trọng tới sức khỏe cũng như cuộc đua cạnh tranh khốc liệt, công ty này đứng trước thách thức đổi mới lớn nếu muốn duy trì hoạt động lâu dài tại Việt Nam.