Những ngày qua, dư luận đang bàn thảo sôi nổi về việc chọn con đường nào ở thủ đô Hà Nội để được mang tên Đại Tướng. Có những người đề xuất chọn những con đường rất lớn, tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng: Dù là con đường lớn nhưng vẫn chỉ là một con đường, dù rất thân thuộc nhưng cũng chỉ là đi giữa lòng những người Việt Nam với nhau mà thôi.
Trong khi đó, các sân bay quốc tế luôn là điểm đến, là cầu nối giữa con người với con người ở các quốc gia, đất nước khác nhau. Ở châu Âu, nước Pháp có sân bay quốc tế nổi tiếng Charles de Gaulle, mang nên vị tướng giải phóng dân tộc Pháp khỏi ách thống trị phát xít. Ở châu Á, Đài loan từng có sân bay quốc tế lớn nhất mang tên vị tướng lập quốc của họ, Tưởng Giới Thạch. Nước Mỹ cũng có sân bay J.F. Kennedy, tên một tổng thống tổng tư lệnh đáng kính của nước Mỹ.
Vị Đại Tướng của chúng ta là vĩ nhân hội tử đủ 4 yếu tố “Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng”. Là đại diện của thế hệ người Việt Nam đã làm nên một kỳ tích chấn động địa cầu! Ông xứng đáng khi đứng cạnh những tên tuổi lẫy lừng, nổi tiếng khác trên thế giới!
Vì vậy, có doanh nhân Việt đã đề xuất: Tại sao chúng ta lại không thể có một Sân bay Quốc tế Võ Nguyên Giáp, với các đường bay nối đến cả năm châu? Bạn bè quốc tế, lòng tự hào dân tộc, sự hiểu biết về Việt nam là những điều sẽ được mang lại. Đó là chưa kể sân bay đó sẽ viết tắt như thế nào: nó cũng sẽ có hai chữ cái đầu của tên nước Việt Nam!
Đồng tình với quan điểm trên, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Tiến sỹ kinh tế, ông Lương Hoài Nam, từng là Trưởng ban Kế hoạch Thị trường tại Vietnam Airlines, nguyên tổng giám đốc Hãng bay giá rẻ Jetstar, Nguyên GĐ điều hành Air Mekong cũng bày tỏ: “Tôi ủng hộ việc đặt tên đường Nhật Tân - Sân bay là "Đại lộ Võ Nguyên Giáp". Tôi cũng ủng hộ cả việc đổi tên Sân bay quốc tế Nội Bài thành "Sân bay quốc tế Võ Nguyên Giáp".
Như một điềm báo trước…
Những ngày qua, khi nghe tin “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam qua đời, với niềm tiếc thương vô hạn, nhiều doanh nhân đã viết nên những dòng cảm xúc trên trang cá nhân của mình.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa hiện đang là Giám đốc chiến lược cho Tập đoàn FPT sau 20 năm ở nước ngoài, hiện ông đang nhiệt tình truyền lửa “giấc mơ Việt” cho thế hệ trẻ Việt Nam qua chương trình đào tạo nhà quản trị.
Ông viết: “Tôi là người về Việt Nam vào những năm cuối đời của Đại tướng. Trong một lần trò chuyện cùng chị Phúc, con gái Đại tướng, tôi tâm sự rằng mong ước lớn nhất suốt những năm tuổi trẻ ở Canada và Pháp là được 1 lần trong đời cầm tay của Cụ. Mong ước đã thật khó khăn vì mấy năm gần đây Cụ sống trong chế độ hết sức riêng biệt tại bệnh viện 108. Và kỷ vật lớn nhất của tôi là cuốn sách viết về Đại tướng của nhà văn Pháp Georges Boudarel - một người Pháp nhưng đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng chỉ huy để chống lại nước Pháp thực dân.
Chị Phúc đã nhắn gởi cho tôi thêm niềm tin vào một “Giấc mơ Việt Nam” hiện hữu của mình, để mỗi khi đuối lòng, trùng bước, tôi lại nhìn lại trang sách này và lao về phía trước. Hãy sống xứng đáng với một dân tộc nơi sản sinh ra những con người vĩ đại mà rất nhân văn gần gũi như Cụ.
Chúng tôi đang lặng lẽ - mỗi người một cách để cuối tuần này sẽ tụ nhau ở Vũng Chùa, Đảo Yến, Quảng Bình nơi chứng kiến một cuộc tiễn đưa của lịch sử dân tộc...”.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng chia sẻ: “Thật khó có thể tin rằng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi. Một nỗi đau quá lớn cho tôi, cho cộng đồng và cả dân tộc. Tôi vừa cùng đoàn FPT viếng Cụ Giáp tối nay, đứng trong vườn ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, lòng thấy vỡ ra nhiều điều trăn trở từ mấy hôm nay... Đằng sau nỗi buồn và sự mất mát này dường như còn có rất nhiều điều khác lạ...
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: “Dường như cả dân tộc đang nắm tay nhau”. Tôi thầm cám ơn chú Quốc như một tri âm đã nói lên tấm lòng của bao trí thức Việt Nam, bao doanh nhân và nhân dân lao động đang loay hoay trong vòng xoáy ở đáy của khủng hoảng... Nhưng có khủng hoảng nào lớn hơn nỗi đau đáu của niềm tin, nỗi lo tụt hậu của đời đời con cháu về sau…”.
Theo ông Thái Hòa, “sự ra đi của Đại tướng trong lúc này dù đau đớn tột cùng như một tượng đài vừa đổ xuống trước nghiệt ngã của thời gian, sự ra đi mà một tuần trước đó cột phát sóng cao hơn 100 m của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Đồng Hới (Quảng Bình) quê hương ông đã bị gió giật cấp 11-12 của siêu bão Wutip quật đổ - như điềm báo trước...
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa trong lễ viếng Đại tướng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu (Ảnh: FB)
Và kỳ lạ thay nỗi đau này lại đang là cánh phao cứu sinh cho niềm tin của nhân dân vào những điều tốt đẹp trong cơn lũ của đời thường... Người Tràng An chưa bao giờ hiền lành và nhân ái như thế trong cách xếp hàng, chia sẻ từng mẩu bánh, chiếc quạt, kể cho nhau về tình thương mến và cảm phục hướng về Đại tướng xen lẫn niềm hãnh diện là người Việt Nam, hãnh diện vì có một Đại Tướng của nhân dân.
Tôi cho rằng giá trị nhân văn trong câu nói của Đại Tướng: "Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ vô cùng hạnh phúc với nghề giáo..." còn lớn hơn gấp nhiều lần chiến tích quân sự mà Thế giới tôn vin Cụ vì đã đánh ngã hai cường quốc... Vì đó chính là chân giá trị của dân tộc ta: "Đem Đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy Trí nhân mà thay cường bạo..."
À ra thế, chúng ta vẫn còn đó những giá trị nhân văn trú ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người con đất Việt... Và nó sẽ là sức mạnh khi chúng ta biết nắm tay nhau trong những lúc như thế này”.
TS. Lương Hoài Nam cũng đồng cảm khi viết: “Kể cả khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, để lại đằng sau niềm thương tiếc trong hàng chục triệu trái tim Việt Nam, Đại tướng cũng để lại cho dân tộc này một niềm tin mới. Niềm tin mới đó là: "Khi có một điều gì đó to lớn đáng tin, dân tộc này sẽ đoàn kết và mạnh mẽ".
-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng ngày từng giờ dõi theo mọi thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung sau đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:
(Danh sách này LIÊN TỤC CẬP NHẬT khi có thông tin mới)
Bạn đọc có những dòng cảm xúc, thơ, văn, kỷ niệm, hình ảnh... về Đại tướng muốn chia sẻ với nhân dân cả nước xin gửi về email: [email protected]. Trân trọng cảm ơn!