Doanh nghiệp xăng dầu: Lỗ thật hay đang lãi?

Giá xăng dầu thị trường Singapore nơi Việt Nam lấy làm tham chiếu vào ngày 13-8 chỉ còn 112,88 USD/thùng và tiếp tục tụt "rớt” vào ngày 14-8.

Như vậy, giá xăng dầu quốc tế đã mất đi hơn 10%, so với mốc 117,47USD/thùng của ngày 17-7 trở thành mức giá thấp trong vòng 25 ngày qua. Nếu tính theo công thức giá bình quân 10 ngày, doanh nghiệp (DN) đang lãi đến 798 đồng/l xăng ron A92. Thế nhưng, DN đầu mối vẫn chưa tính đến chuyện giảm giá!

Lỗ công thức, lãi thực tế

Theo công thức tính giá cơ sở bình quân 30 ngày, ông Đặng Vinh Sang - Tổng giám đốc Saigon Petro trả lời báo chí, giá xăng dầu thế giới giảm nhưng hiện giá cơ sở cao hơn so với giá bán lẻ nên DN vẫn lỗ.

Theo cách tính của một số DN, mỗi lít xăng Ron A92, dầu Diesel đang lỗ đến 520 - 610 đồng. Nếu trừ đi phần sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu là 300 đồng/lít đối với tất cả các mặt hàng thì các DN đang lỗ 310 đồng/lít xăng A92, 190 đồng/lít dầu DO. Cũng tính theo công thức giá thế giới bình quân 30 ngày và trừ đi các loại thuế phí, trích quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, Hiệp hội Xăng dầu cho biết vẫn đang lỗ từ 235 đến 990 đồng mỗi lít xăng dầu.

Tuy nhiên, chiều ngày 14-8, trao đổi với Đại Đoàn Kết, DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cho biết, nếu tính theo công thức giá bình quân 10 ngày, giá mỗi lít xăng Ron A92 đang lãi lên tới 798 đồng, còn dầu 0.05S lỗ 266 đồng/l. Bình quân giá xăng 10 ngày dừng ở mốc 113 USD/thùng. Còn tính bình quân giá 30 ngày đến 12-8, giá xăng Ron A92 vẫn là 117 USD/thùng, DN chỉ lãi 14 đồng/l xăng, còn dầu 0.05S lỗ đến 390 đồng/l.

Ông này cũng thẳng thắn nói, "chỉ lãi vài chục đồng thì không thể tính đến chuyện giảm giá!”

Như vậy, với 2 cách tính của 2 DN, đưa ra hai cách lỗ lãi khác nhau, song có chung một điểm: DN đầu mối hiện nay đang sử dụng mức giá cao nhất của bình quân 30 ngày để báo cáo lên cơ quan quản lý, cụ thể là liên bộ Tài chính – Công thương để tránh phải giảm giá. Công thức tính bán lẻ này tuân theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ cuối năm 2009 để phù hợp với thời gian dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu 30 ngày.

Tức là DN phải cộng giá dự trữ lưu thông của 30 ngày trước đó, rồi chia bình quân cấu thành giá cơ sở, làm căn cứ đưa ra giá bán lẻ trên thị trường. Còn trong thực tế, phương thức nhập hàng, tính giá, xả hàng của DN đầu mối lại hoàn toàn khác.

Các DN đang thực hiện công thức mua bán hàng 5 - 1 - 5. Tức là tính giá của 5 ngày trước và dùng 1 ngày để chốt giá hàng mua, nhận hàng, 5 ngày sau là giá dự báo. Khi thanh toán cho phía đối tác bán hàng (đơn vị tại thị trường Singapore) sẽ cộng giá của 5 ngày trước và 5 ngày sau, DN sẽ sử dụng giá trung bình trong 10 ngày để giá cơ sở. Chưa hết, tùy vào từng quy mô lô hàng, các DN đầu mối còn được hưởng sai số trong biên độ 1% từ phía đối tác.

Nhiều chuyên gia trong ngành xăng dầu khẳng định DN không thể lỗ. Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, mức lãi thực tế đang lớn hơn con số 700 đồng. Báo cáo tài chính của một số công ty liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi. Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), báo cáo tài chính (chưa soát xét) công bố mức lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt hơn 6,3 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 1,37 tỉ đồng của quí 1 và mức 3,7 tỉ đồng của quý 2 năm ngoái. Tính chung 6 tháng, lợi nhuận ròng của SFC đạt 7,7 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2012.

Cũng theo thông tin có được, hiện nay mức chiết khấu hoa hồng lẫn hao hụt mà đại lý đang được hưởng có sự chênh lệch rõ ràng. Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trích chiết khấu 490 đồng/l xăng trong khi một số đầu mối khác chạy đua hoa hồng từ 700 – 710 đồng/l.

Doanh nghiep xang dau Lo that hay dang lai
 

Mù mờ công thức tính giá 30 ngày

Người tiêu dùng tỏ ra khá bức xúc khi giá xăng tại thị trường Singapore giảm mạnh nhưng giá trong nước đứng yên. TS Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm với Đại Đoàn Kết, số liệu, con số thực về giá chỉ có cơ quan quản lý trong đó Bộ Tài chính nắm rõ nhất.

Trong khi cơ quan điều hành giá luôn khẳng định, giảm giá xăng không bị ràng buộc về khoảng cách, hễ có cơ hội điều chỉnh giảm sẽ giảm thì thực tế đang diễn tiến ngược. Cơ quan quản lý không thể ngồi chờ DN báo cáo số liệu lên, mà phải chủ động trong phương án điều hành giá. DN lỗ thì tăng giá ngay, DN lãi lại chần chừ giảm giá là cực kỳ vô lý.

Nhưng tại sao giá xăng thế giới giảm mà giá xăng dầu trong nước vẫn đứng yên? Thực ra công thức tính giá cơ sở đang bị DN lạm dụng. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nói, trong khi DN đang nhập hàng tính giá trên cơ sở 10 ngày nhưng Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu lại ghi rõ: tính giá cơ sở bình quân 30 ngày. Vì vậy, DN cứ theo nghị định để báo cáo, giá bình quân 30 ngày sẽ ít biến động trong khi giá bình quân 10 ngày lại biến động mạnh.

"Giờ muốn điều hành giá cơ sở theo chu kỳ bình quân 10 ngày để bám sát với giá thị trường buộc điều chỉnh lượng hàng dự trữ lưu thông tại kho đảm bảo 20 ngày”, - ông Thỏa nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói, cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Thị trường lên xuống từng ngày, từng giờ nhung theo quy định, phải đợi đến 30 ngày nhập khẩu mới được tăng, giảm. Với khoảng thời gian dài như vậy, DN có lợi rất lớn. Ông cũng cho rằng, cơ chế điều hành giá xăng hiện nay là nửa vời, nếu đã là DN tự quyết thì cơ quan quản lý chỉ can thiệp dựa trên bình diện vĩ mô (lượng hàng, cung hàng), đằng này DN tăng hay giảm đều phải trình qua cơ quan quản lý, chỉ có người dân chịu thiệt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại