Điều này khiến các nhà sản xuất mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng lao đao không thể cạnh tranh được trên thị trường.
37 triệu xe máy là con số lớn mà bất cứ nhà sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) nào cũng nhận thấy tiềm năng từ con số này, tuy nhiên nếu ra đường, ai cũng có thể nhận thấy, đa số MBH được người dân sử dụng là mũ rởm.
Hàng năm, công ty Protec sản xuất trên dưới 500.000 chiếc MBH đạt chuẩn. Trong khi năng lực sản xuất cao hơn rất nhiều vậy mà số mũ này bán không hết. 1/10 số MBH sản xuất ra được dùng làm từ thiện. Giá mỗi chiếc MBH công ty bán ra 150.000-300.000 đồng, có khi còn cao hơn. Trong khi đó, giá một chiếc MBH giả chỉ có giá 30.000 đồng, rẻ hơn 10 lần. Những nhà đầu tư nước ngoài sản xuất MBH ở Việt Nam ngày càng khó khăn khi không cạnh tranh được với MBH rởm. Nếu tình hình này kéo dài, họ sẽ bỏ đi.
“Kinh tế rất khó khăn đối với chúng tôi. Chúng tôi chỉ giữ mức kinh doanh đã có và cố gắng duy trì đi ngang. Tuy nhiên, việc này cũng là một thách thức rất lớn” - chủ cơ sở sản xuất nói.
Để cải thiện tình trạng MBH không đảm bảo chất lượng trên thị trường, Ủy ban ATGT Quốc gia có phối hợp với các bộ để tiến hành siết chặt quản lý và xử phạt đối với những trường hợp đội MBH không phải là MBH trên thị trường.
Theo quy định mới này, yêu cầu đối với MBH phải có đủ 3 lớp: Lớp vỏ nhựa, lớp xốp chống xung động bên trong và quai mũ. Tuy nhiên, việc có phân biệt được MBH đạt chuẩn và mũ không đạt đang là một thách thức đối với lực lượng chức năng.