Ngoài những vướng mắc về vốn đầu tư, tín dụng, thị trường…, việc thiếu các chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp (DN) ngày càng teo tóp, tê liệt.
Không lớn nổi
Theo khảo sát “Đặc điểm môi trường kinh doanh: Điều tra DN nhỏ và vừa” của Viện Nghiên cứu - Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ năm 2009 đến 2011, chỉ có 31 DN nhỏ và cực nhỏ đã phát triển thành DN quy mô vừa nhưng có đến 133 DN quy mô vừa và nhỏ thu hẹp thành DN cực nhỏ.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy tỉ lệ các DN có kế hoạch giữ nguyên hoặc giảm quy mô sản xuất - kinh doanh tăng mạnh so với những năm trước. Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2012 do VCCI công bố mới đây đã khẳng định rõ xu hướng ngày càng teo tóp của DN nhỏ và vừa tại nước ta, tính từ năm 2002 đến 2012.
Kể từ khi có Luật DN (năm 2000), đến nay, cả nước đã có trên 694.000 DN được thành lập. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, chỉ còn hơn 300.000 DN đang hoạt động và 2/3 số đó không lớn lên nổi, thậm chí còn nhỏ dần về quy mô. 44,7% DN của số này giữ nguyên quy mô nhỏ trong suốt 10 năm, 18,7% tụt xuống thành DN siêu nhỏ, chỉ có 8,74% DN nhỏ phát triển thành DN có quy mô vừa và 6,55% thành quy mô lớn. DN có quy mô vừa cũng ngày càng nhỏ đi: có đến 38,7% DN rớt xuống thành DN nhỏ, 5,12% thành DN siêu nhỏ.
Kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy có đến 73% DN cho rằng tồn kho thực sự là mối lo ngại, 5,7% ngừng hoạt động trong năm 2012 do không tìm được thị trường đầu ra, không vay được vốn và giá nguyên vật liệu cao.
Trong đó, 28,6% DN ngừng hoạt động vì không tìm được thị trường đầu ra, 21,4% do không vay được vốn, 17,9% do nguyên liệu giá cao.
Tỉ lệ DN thua lỗ trong giai đoạn 2002-2011 rất cao, lên đến 41,7% trong năm 2011. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản cũng giảm từ 6,4% năm 2002 xuống còn 3,6% năm 2010. Đáng lo ngại hơn, khả năng thanh toán của DN đang kém đi, chỉ số thanh toán hiện tại và chỉ số thanh toán nhanh đều giảm, khả năng trả lãi vay ngân hàng cũng giảm dần từ 5 lần còn 3,5 lần trong giai đoạn 2009-2011.
Chính sách hỗ trợ chưa tới
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TPHCM, cho rằng ngay trong hiệp hội, phải có đến hơn 90% trong tổng số 300 DN hội viên là DN vừa và nhỏ. Kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2010 đến nay khiến DN nhỏ và vừa rất dễ tổn thương nên tình trạng DN teo tóp, “chết” hẳn là bình thường.
Thanh khoản trên thị trường nội địa quá kém, DN không muốn đầu tư phát triển và phải chọn lọc, giao dịch với khách hàng có khả năng thanh toán chứ không dám cho thiếu nợ. Một số DN phải bán bớt máy móc, đóng cửa nhà xưởng. Khi quy định về thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, một số DN bao bì nhựa lỗ lã, phải bỏ nghề, chuyển sang bán phở, bán thuốc đông y.
Cũng theo ông Trần Việt Anh, các vấn đề về vốn, tín dụng, nợ xấu ngân hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu ra bức bí là nguyên nhân khiến DN lâm vào cảnh nguy khốn. Chính phủ đã có những chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng các khoản hỗ trợ đó ít khi đến được với DN hoặc đến rất chậm, DN phải chủ động “liệu cơm gắp mắm”, âm thầm bám trụ và âm thầm… tê liệt!
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM, nền kinh tế Việt Nam là “kinh tế khoảng giữa”: Ít có DN lớn mà phần nhiều là DN nhỏ, cực nhỏ và hộ gia đình. Dù Nhà nước đã cho tự do kinh doanh nhưng chưa có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho DN lớn lên.
Bên cạnh đó, DN nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận nguồn lực tốt, tài chính tốt; phần lớn ưu đãi được ưu tiên cho khối DN Nhà nước, khối DN tư nhân ít được hưởng (DN nhỏ phần nhiều là DN tư nhân).
Từ năm 2009 đến nay, kinh tế càng khó khăn, tính phòng thủ của DN càng gia tăng. Bên cạnh đó, chính sách phân biệt đối xử trong cách tính thuế thu nhập DN sắp áp dụng (DN nhỏ và vừa 20%, DN lớn 22%) cũng là lực cản khiến DN không muốn lớn. Các DN nhỏ còn có tâm lý không muốn tăng quy mô vì ngại đối diện và giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính, thuế…
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng để lớn lên, bản thân DN phải tiến hành tái cấu trúc, thoát khỏi tư duy kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình; tập trung nguồn lực nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
Điều quan trọng và cần thiết cho DN lúc này là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN thông qua việc giảm thêm lãi suất cho vay, củng cố các gói bảo lãnh tín dụng với DN, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại để giải tỏa tồn kho…