Gần một tuần trở lại đây, giá xăng dầu thế giới có xu hướng chững lại. Từ đây, việc xả quỹ bình ổn đã một phần giúp các doanh nghiệp (DN) xăng dầu được lãi thêm.
Từ lỗ chuyển thành lãi
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tính đến ngày 17.10.2013, giá các mặt hàng xăng A92 thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore là 113,56 USD/thùng. Còn tính bình quân 30 ngày, giá nhập khẩu ở mức 112,12 USD/thùng. Như vậy, sau khi trừ các khoản thuế, phí, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức thì một lít xăng tương đương 24.107 đồng/lít, tức là DN xăng dầu còn lỗ khoảng 227 đồng/lít.
Tuy nhiên, do được xả quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng là 300 đồng/lít nên DN lại thành lãi khoảng 73 đồng/lít.
Đối với mặt hàng dầu hỏa, hiện DN cũng lỗ khoảng 694 đồng/lít. Nhưng do được sử dụng quỹ bình ổn giá là 800 đồng/lít nên DN lại vẫn thành lãi hơn 100 đồng/lít.
Trong khi đó, trong giá cơ sở, DN xăng dầu đã được hưởng mức lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, chi phí kinh doanh là 860 đồng/lít. Như vậy, cộng dồn thêm mức lãi do xả quỹ bình ổn mà DN được hưởng thì lợi nhuận của các DN xăng dầu có thể sẽ lên con số rất “khủng”.
Bình luận về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM, cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu phải được coi nó như là một con “heo đất” tiết kiệm của người dân. Mỗi lít xăng người dân phải trích 300 đồng/lít.
Như vậy, bản chất của nó là tiền tiết kiệm của người dân do đó không thể biến số tiền tiết kiệm này thành lợi nhuận của DN được. Làm như thế là tước đoạt thặng dư tiêu dùng, biểu hiện của sự độc quyền. Từ đây, dù là DN lãi 70 hay 100 đồng/lít thì cơ quan quản lý cũng cần phải cân nhắc khi xả quỹ.
Không thể tùy tiện xả quỹ
Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức công bố, tính đến hết quý 3-2013, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu còn khoảng 58,6 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có một số DN là có quỹ dương như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty xăng dầu Quân đội… Còn lại rất nhiều DN xăng dầu khác bị âm quỹ.
Như vậy, khi DN âm quỹ, thì tức là người dân còn phải “nai lưng” ra trả nợ lâu hơn nữa.
Tuy nhiên, câu chuyện về quỹ bình ổn giá xăng dầu, đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia kinh tế băn khoăn. Trước đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đã từng nhận định, quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động chưa có hiệu quả. Thậm chí, vị này còn cho rằng nên xóa bỏ quỹ bình ổn. Hoặc, nếu có quỹ bình ổn thì không thể để trong DN như hiện nay.
Bàn thêm về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn cũng nói thêm, quỹ bình ổn giá hiện đang được sử dụng còn quá tùy tiện, chưa phát huy được tác dụng. Kể ra, quỹ chỉ sử dụng khi giá thế giới biến động mạnh, giá tăng cao thì nhà nước mới cần xả quỹ để bình ổn giá. Từ đây, Nhà nước nên tính toán cụ thể, chứ không nên tạo ra kiểu xả quỹ theo cơ chế định giá.
Được biết, trong dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ chỉ được sử dụng khi giá cơ sở vượt quá 5%, chứ không phải cứ giá tăng là cơ quan chức năng có thể yêu cầu xả quỹ.