Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 16/9 đã công bố Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện với 3 phương án để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, các chuyên gia và cộng đồng.
Ba phương án điều chỉnh
Phương án 1 là giữ nguyên 6 bậc như hiện hành: 50 KWh đầu tiên có giá 1.484 đồng/KWh; từ 51-100 KWh 1.533 đồng/KWh; từ 101-200 KWh 1.786 đồng/KWh; từ 201-300 KWh 2.242 đồng/KWh; từ 301-400 KWh 2.503 đồng/KWh; từ 401 KWh trở lên 2.587 đồng/KWh.
Ưu điểm của phương án này theo EVN là khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhất là đối với điện là sản phẩm đặc biệt sử dụng tài nguyên làm nhiên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, biểu giá sinh hoạt có nhiều bậc thang đã gây phức tạp trong thanh toán tiền điện với khách hàng.
Lượng điện sử dụng càng cao thì mức giá càng cao, ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.
Do có nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số nếu không chú ý cẩn trọng dễ gây sai sót khi tính toán số tiền điện thanh toán, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Phương án 2 là quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt, tức là đồng giá 1.747 đồng/KWh theo mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.
Theo tính toán của EVN, phương án này sẽ khiến các hộ sử dụng dưới 240 KWh/tháng bị tác động tăng tiền điện phải trả hằng tháng trong khi các hộ sử dụng trên mức này được hưởng lợi.
Phương án này có ưu điểm là sự minh bạch, dễ áp dụng nhưng bước đầu có thể khó khăn do tác động nhiều đến tầng lớp người thu nhập thấp...
Phương án 3 là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc với mức giá bình quân 1.747 đồng/KWh.
EVN giải thích ưu điểm của phương án này là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Nhược điểm là sử dụng nhiều điện thì tiền điện thanh toán có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của lượng điện sử dụng, gây hiểu lầm là do ghi chỉ số sử dụng điện không chuẩn xác như ở phương án 6 bậc thang hiện nay.
Phải công bằng trong sử dụng điện
Đánh giá về 3 phương án trên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng không thể duy trì một bậc thang duy nhất với giá bán lẻ bằng mức giá trung bình hiện nay mà nhất thiết cần chia bậc thang giá điện.
Theo ông, có thể áp dụng giá điện ở mức 3 bậc thang.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, phương án giữ nguyên 6 bậc thang giá điện như hiện hành là không thể chấp nhận vì thực tế người dân đã phải trả giá điện cao trong mùa hè vừa rồi do hậu quả của bậc thang lũy tiến này.
Do đó, bắt buộc phải thay đổi để người dân giảm bớt thiệt hại.
Tuy nhiên, theo ông, nếu bãi bỏ bậc thang lũy tiến và chỉ có một giá điện duy nhất thì sẽ không còn phương tiện để đòi hỏi cũng như khuyến khích các hộ tiêu dùng tiết kiệm điện.
“Nếu chỉ có một giá duy nhất thì liệu EVN có đòn bẩy nào để tạo động lực cho người dân tiết kiệm điện không khi người dùng ít điện, người có thu nhập thấp cũng chịu giá điện bằng người sử dụng rất nhiều điện?”, TS Doanh đặt câu hỏi.
Theo ông Doanh, phương án biểu giá điện 3 bậc thang được xem là phù hợp nhất nhưng cần nghiên cứu kỹ để xem mức độ lũy tiến sẽ là bao nhiêu, khoảng cách bậc thang có đủ nới rộng để người dân có thể được sử dụng các thiết bị điện theo nhu cầu cuộc sống ngày càng hiện đại mà không phải chi trả quá nhiều hay không?
“Trước đây quy định 50 KWh là mức sử dụng thấp nhất đối với các hộ gia đình nhưng nay mức này không còn hợp lý nữa.
Do vậy, cần nới rộng một cách hợp lý với thực tế sử dụng điện của người tiêu dùng. Nếu hạ bậc thang nhưng đối tượng người tiêu dùng bình dân vẫn phải trả giá cao thì cần xem xét lại”, ông Doanh nói.
Nới bậc thang nhưng tăng giá
Theo phương án 3, EVN đề xuất 5 kịch bản điều chỉnh:
- Kịch bản 1: Bậc 1 (50 KWh đầu tiên) có giá 1.484 đồng/KWh; bậc 2 (51- 250 kWh) 1.763 đồng/KWh; bậc 3 (trên 300 KWh) 2.557 đồng/KWh.
- Kịch bản 2: Bậc 1 (100 KWh đầu tiên) 1.501 đồng/KWh; bậc 2 (từ 101-200 KWh) 1.907 đồng/KWh; bậc 3 (trên 300 KWh) 2.557 đồng/KWh.
- Kịch bản 3: Bậc 1 (150 KWh đầu tiên) 1.559 đồng/KWh; bậc 2 (trên 150 KWh) 2.007 đồng/KWh; bậc 3 (trên 300 KWh) 2.557 đồng/KWh.
- Kịch bản 4: Bậc 1 (200 KWh đầu tiên) 1.584 đồng/KWh; bậc 2 (trên 200 KWh) 2.325 đồng/KWh; bậc 3 (trên 400 KWh) 2.587 đồng/KWh.
- Kịch bản 5: Bậc 1 (50 KWh đầu tiên) 1.484 đồng/KWh; bậc 2 (trên 150 KWh) 1.670 đồng/KWh; bậc 3 (trên 200 KWh) 2.325 đồng/KWh; bậc 4 (trên 400 KWh) 2.587 đồng/KWh.
Các chuyên gia kinh tế đồng tình với việc nới rộng bậc thang đầu tiên lên KWh số 100 hoặc 200 là để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện.
Tuy nhiên, nới rộng bậc thang nhưng tăng giá điện từ mức 1.484 đồng/KWh ở bậc thang đầu tiên lên trên 1.500 đồng/KWh như trên thì việc nới bậc thang không có nhiều tác dụng và gây ảnh hưởng đến người sử dụng điện thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.