Trong danh sách 77 doanh nghiệp đang chây ỳ, nợ đọng tiền thuế tính đến ngày 15/9 thì đứng đầu đều là các đại gia, tổng công ty bất động sản lớn tại Hà Nội như: Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, Công ty Cổ phần Cầu 12-Cienco 1, Công ty Cổ phần Viglacera Hà Nội...
Đại gia Sông Đà Thăng Long đứng đầu danh sách nợ thuế khủng
Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long là một thành viên của Tổng công ty Sông Đà, được thành lập tháng 12/2006 với số vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp, sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghiệp và kinh doanh bất động sản.
Những năm qua, Sông Đà Thăng Long thực sự gây dấu ấn trên thị trường khi trở thành chủ đầu tư của dự án khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), đồng thời đưa tên tuổi của Sông Đà Thăng Long nổi đình đám trong thị trường bất động sản.
Tiếp nối sự thành công của khu đô thị Văn Khê, cái tên Sông Đà Thăng Long tiếp tục khiến nhiều người phải ngưỡng mộ khi trở thành chủ đầu tư của dự án tổ hợp chung cư đẳng cấp Usilk City (Hà Đông, Hà Nội).
Khoảng cuối năm 2008, giá tại Hợp đồng góp vốn vào dự án này đã là 750 USD/m2, đầu năm 2009 giá căn hộ Usilk City được nâng lên 850 USD/m2, vào đầu tháng 5/2009 giá căn hộ này lại được nâng lên 960 USD/m2.
Với sự thành công như vậy, trong kế hoạch phát triển 5 năm, từ năm 2010 – 2015, ban lãnh đạo của Sông Đà Thăng Long phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về sản xuất kinh doanh đạt 20%, cổ tức hàng năm đạt 20%.
Những tưởng Usilk City sẽ trở thành lá bài chủ chốt để đưa bản kế hoạch tăng trưởng của Sông Đà Thăng Long trở thành hiện thực, nhưng hiện nay chính Sông Đà Thăng Long đang bị sa lầy ở con át chủ bài này.
Cụ thể, Usilk City, “niềm kiêu hãnh” của Sông Đà Thăng Long hiện đang phải đối mặt với hàng loạt khiếu kiện của khách hàng do dự án chậm triển khai, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng.
Mới đây nhất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sông Đà Thăng Long, ông Nguyễn Trí Dũng đã phải xin lỗi các khách hàng Usilk city và xin khất bàn giao căn hộ cho khách hàng, do chậm trễ thi công vì thiếu vốn.
Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của Sông Đà Thăng Long, dư nợ của đơn vị này là hơn 5.070 tỉ đồng cuối quý I/2012, chiếm hơn 96% tổng tài sản. Năm 2011, công ty này lỗ hơn 14 tỷ đồng và năm 2012 âm trên 181 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của Sông Đà Thăng Long đã đến mức báo động đỏ, buộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phải đưa cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long vào diện bị kiểm soát từ 13/6.
Đến ngày 26/6 thì 15 triệu cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng đã chính thức bị hủy niêm yết. Tổng giá trị hủy niêm yết là 150 tỷ đồng.
Trong bản giải trình đề ngày 17/6 gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2012 lỗ và phương án khắc phục, Công ty CP Sông Đà Thăng Long lại cho biết, doanh nghiệp này cũng không thoát khỏi tình trạng chung khi nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản bị khủng hoảng kéo dài từ năm 2010 khiến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và thi công xây lắp gặp rất nhiều khó khăn.
Việc thu vốn từ các dự án bất động sản gặp khó khăn, dòng tiền của doanh nghiệp giảm mạnh nên thiếu hụt nguồn trả nợ ngân hàng làm tăng chi phí tài chính so với kế hoạch. Cũng bởi vậy, không có gì khó hiểu khi công ty này đứng đầu danh sách nợ thuế với số tiền lên tới gần 283 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Cầu 12-Cienco 1 nợ đọng tới hơn 81 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Cầu 12-Cienco 1 trước đây là Công ty cầu 12 thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 - Bộ GTVT, được thành lập ngày 17/8/1952, là đơn vị xây dựng cầu đầu tiên của Việt Nam.Vốn điều lệ của công ty là 48,5 tỷ đồng.
Công ty Cầu 12 đã 2 lần đạt danh hiệu anh hùng lao động (1985 và 2007), 1 lần đạt danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2002), xây dựng hơn 300 cây cầu lớn nhỏ trong 60 năm qua.
Trước đây, Công ty Cầu 12 luôn là đơn vị tiên phong đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, thắng thầu và xây dựng nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, kỹ thuật cao trong phạm vi cả nước và ở nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm từ năm 2001 đến 2011 đạt 20%. Sản lượng hàng năm thuộc top hàng đầu trong các đơn vị xây dựng giao thông và thường xuyên xấp xỉ ở mức 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2012, việc kinh doanh của công ty này bắt đầu gặp nhiều khó khăn theo tình hình chung của nền kinh tế.
Theo báo cáo tài chính năm 2012, Công ty cổ phần Cầu 12 tồn kho 83,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 12,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2012, nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của công ty này cũng lên đến 108,12 tỷ đồng.
Và tính đến thời điểm ngày 15/9, Công ty cổ phần Cầu 12 còn nợ đọng tới hơn 81 tỷ đồng.
Ông lớn Viglacera Hà Nội cũng nợ thuế trên 70 tỷ đồng
Công ty cổ phần Viglacera Hà Nội là một trong 31 đơn vị thành viên của Tổng công ty Viglacera, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, gạch trang trí.
Công ty Cổ phần Vigalcera Hà Nội tiền thân là Nhà máy gạch ốp lát Hà Nội.
Tháng 2/1994, Nhà máy gạch ốp lát Hà Nội khởi công xây dựng lắp đặt thiết bị để sản xuất gạch ốp lát tráng men cao cấp với số vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng, công suất 1.000.000 m2/ năm tại xã Mễ Trì - Huyện Từ Liêm – Hà Nội.
Tháng 5/1998 Nhà máy gạch ốp lát Hà Nội được đổi tên thành Công ty gạch ốp lát Hà Nội. Sau đó đến tháng 4/2008 Công ty gạch ốp lát Vigalacera Hà Nội được đổi tên thành Công ty cổ phần Viglacera Hà Nội.
Từ năm 1999 đến năm 2008, Công ty Viglacera Hà Nội liên tiếp đạt được nhiều thành tích như: được Tổ chức BVQI của Vương quốc Anh cấp chứng chỉ ISO 9002 và được Chính phủ tặng bằng khen, đạt giải Quả cầu Vàng do liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Bộ Kế hoạch đầu tư của Việt Nam tặng, đạt giải Sao vàng đất Việt, đoạt Cúp Vàng và được ban Tổ chức Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á cấp giấy chứng nhận Cúp Vàng "Thương hiệu và Nhãn hiệu", được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao...
Từ một công ty có bề dày thành tích, song cùng với sự đóng băng của thị trường BĐS đã khiến tình hình kinh doanh của Viglacera Hà Nội nói riêng và Tổng công ty Viglacera nói chung liên tục gặp nhiều khó khăn. Và khoản nợ thuế trên 70 tỷ đồng là minh chứng rõ ràng nhất cho những vướng mắc mà Viglacera đang gặp phải.