Dịch vụ taxi Uber: Xung đột nảy lửa giữa các luồng quan điểm

Pha Lê |

Bên cạnh những nước cho phép Uber hoạt động thì tại một số quốc gia, chính phủ cho biết sẽ siết chặt, thậm chí là cấm loại hình kinh doanh này.

Uber là một dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone. Uber làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe.

Người dùng cần di chuyển sẽ cài đặt Uber trên smartphone, sau đó thực hiện đặt xe. Xe tham gia vào mạng lưới Uber rất đa dạng, thậm chí có cả những chiếc xe sang cao cấp như Mercedes-Benz.

Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 7/2014, thông tin về dịch vụ Uber được nhắc tới với nhiều từ ngữ chuyên ngành như "Sharing Economy" - Kinh tế chia sẻ.

Hiện tại, loại hình dịch vụ này đang bùng nổ tại Tp.HCM và được khá nhiều người dân ưa chuộng và tin dùng. Tại Hà Nội, hiện tại dịch vụ này chưa phát triển.

Có rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ loại hình kinh doanh taxi “lạ” này vì nó đem lại nhiều thuận tiện cho người dân.

Ngay bản thân Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng rất ủng hộ hoạt động này. Thậm chí, ông Thăng còn nhấn mạnh: “Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm”.

Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Bên cạnh những nước cho phép Uber hoạt động thì tại một số quốc gia, thành phố như: Berlin, Kuala Lumpur, Bangkok, Manila… chính phủ cho biết sẽ siết chặt, thậm chí là cấm loại hình kinh doanh này.

Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến, tranh luận trái ngược về hoạt động của Uber:

Uber: Taxi giá rẻ cho người tiêu dùng?

Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.

“Những người hành nghề taxi phải đóng rất nhiều khoản phí trong khi taxi Uber thì không.

Có lẽ chính vì nguyên nhân này mà dùng Uber, giá cước luôn rẻ hơn taxi thông thường” – ông David Nguyễn chuyên viên tư vấn khối khách hàng doanh nghiệp JP Mogan Bank Úc chia sẻ.

Tuy nhiên, kinh nghiệm tại một số quốc gia mà Uber thâm nhập đầu tiên cho thấy sau khi hoạt động một thời gian dài với giá rẻ thì chính là lúc Uber độc quyền hoàn toàn về giá.

Vì không là taxi nên Uber có quyền tăng giảm bất cứ lúc nào tùy thích, các cơ quan quản lý cũng không thể nào giám sát được.

Mô hình kinh doanh chính của Uber là "surge pricing": tăng giá khi thiếu xe. Giờ cao điểm thiếu xe, việc tăng giá không còn là điều gì quá xa la.

Sau lễ hội Halloween giá Uber ở Mỹ đã tăng gấp 7-8 lần so với bình thường

Trường hợp của Mỹ là 1 ví dụ điển hình. Theo thông tin báo chí đăng tải thì gần đây đây nhất, sau lễ hội Halloween giá Uber ở Mỹ đã tăng gấp 7-8 lần so với bình thường.

Lúc này người dùng không còn lựa chọn nào khác. Một khi các hãng taxi mà “chết”, giá của Uber sẽ tăng và người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả.

Ngay cả ở Việt Nam chúng ta, gần đây Uber cũng đã có dấu hiệu tăng giá, nhưng vẫn còn thấp hơn taxi nên người dùng vẫn còn chấp nhận được.

Uber có lợi cho nền kinh tế trên nhiều phương diện?

Trên website của Uber, ông Karun, giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Uber có viết:

“Uber tạo công ăn việc làm cho tài xế và giúp tăng thu nhập cho hàng ngàn đối tác vận chuyển.

Bằng cách tăng tần suất sử dụng phương tiện, tài xế sẽ bớt phí phạm thời gian rảnh, có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách đưa đón hành khách trong thành phố.

Các tài xế ngày càng tăng thêm thu nhập với năng suất lao động cao, vì họ thực hiện thêm nhiều chuyến đi mỗi giờ thông qua hệ thống Uber”.

Cùng quan điểm này, anh Phan Thanh Định (Nha Trang) cho biết trên tờ Tuổi trẻ: xét về mặt lợi ích xã hội thì có nhiều cái lợi, không làm tăng vọt số lượng xe lưu thông mà vẫn đảm bảo chở được nhiều hành khách hơn, giảm mật độ giao thông trên đường, giảm lượng khí thải…

Một chiếc taxi Uber bị lực lượng chức năng kiểm tra tại khu vực đường Lê Hồng Phong (Q. 5) - Ảnh: M.Trường

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng, người lái taxi Uber không chịu sự gò bó về thời gian, cũng không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào về điều kiện hành nghề.

Tài xế của Uber là những người hoàn toàn tự do, thích thì họ tham gia, khi không thích thì chuyển qua làm cho công ty đối thủ.

Đối với hoạt động kinh doanh, điều này là vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động cũng như những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

Có lẽ vì vậy mà tại không ít thành phố như Bangkok (Thái Lan), Jakarta… loại hình dịch vụ này bị cấm, coi là hoạt động bất hợp pháp.

Ở Malaysia, những tài xế xe tư nhân sử dụng Uber đưa đón khách còn phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 10.000 RM (khoảng 65 triệu đồng) hoặc bỏ tù một năm.

Có lợi cho người tiêu dùng?

Việc người tiêu dùng được hưởng lợi từ dịch vụ giá rẻ nhưng không cần trả tiền mặt, lâu lâu còn trúng xe "xịn" như Mercedes, BMW... rất oai với bạn bè được cho là một lợi thế cạnh tranh của Uber.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng khẳng định rằng: nếu đi taxi truyền thống, họ có thể bị lái xe đưa đi lòng vòng. Như vậy vừa tốn kém lại vừa có tâm lý ức chế.

Với Uber, việc này gần như không xảy ra. Hơn nữa, sự thân thiện, hòa nhã của “người bạn cùng đường” làm không ít người thấy thích thú.

Biểu tình phản đối Uber ở New Orleans (Mỹ).

Biểu tình phản đối Uber ở New Orleans (Mỹ).

Thế nhưng, theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, đó là một trong những nhược điểm “to đùng” mà khách hàng cần đặc biệt chú ý.

Bởi lẽ, Uber không đăng ký hoạt động, không có bộ máy tổ chức nên không đảm bảo an toàn giao thông, không có trách nhiệm bảo hiểm cho người tham gia giao thông.

Khi tai nạn xảy ra, khách là người thiệt thòi đầu tiên vì không nhận được bất kỳ hình thức bảo hiểm nào.

Trên thực tế, Uber đã dính một số lời buộc tội khá nghiêm trọng tại các quốc gia có mạng lưới dịch vụ này.

Giao thừa năm ngoái, một tài xế Uber đâm phải một gia đình nhập cư ở San Francisco làm một em bé 6 tuổi thiệt mạng dẫn đến một vụ kiện tụng chống lại công ty.

Ngoài ra, còn có những cáo buộc tài xế Uber quấy rối tình dục khách hàng.

Travis Kalanick, giám đốc điều hành (CEO) kiêm đồng sáng lập Uber Technologies - Ảnh: Bloomberg

Bên cạnh đó, đầu tuần trước, giám đốc điều hành Emil Michael của Uber cũng công khai trên Buzzfeed ý định điều tra cuộc sống riêng tư của các nhà báo từng chỉ trích Uber.

Điều này khiến cho không ít người lo ngại về vấn đề thông tin đời tư khách hàng của Uber bị tiết lộ ra ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại