Cả ngày hôm qua, Quốc hội đã dành thời gian để các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Rất nhiều các ý kiến thẳng thắn đã được nhiều đại biểu bày tỏ, mong muốn Chính phủ sớm có các biện pháp tích cực hơn nữa để vực dậy nền kinh tế đất nước.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (tỉnh Bình Dương) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, đầu tư nước ngoài tiếp tục thu hút được một số dự án lớn, kim ngạch xuất khẩu cao, một số giải pháp bình ổn kinh tế vĩ mô bước đầu phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, ông Đáng cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề đang tồn tại, những bất cập cần sớm được quan tâm giải quyết, đó là: hàng hóa tồn kho nhưng người dân không có sức mua, ngân hàng nhiều tiền nhưng doanh nghiệp không dám vay và cũng không muốn vay, hàng tồn kho và nợ xấu quá lớn. Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thì đều trầm lắng, chỉ còn nông nghiệp nuôi sống cả nước, dù nông dân đang phải chịu lỗ kép...
ĐB Đáng nói: “Tôi muốn đề cập tới một tình hình khác đáng lo ngại hơn và rất tiếc là đang diễn biến trong nền kinh tế nước ta, đó là không khí im lặng dò xét, là tâm thế ngồi im chờ thời trong doanh nghiệp, đó là sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô Nhà nước đang tiến hành, sự lo ngại về khả năng thao túng của các nhóm lợi ích.
Tôi cho rằng, chúng ta cần minh bạch và công khai hơn nữa để ngăn chặn tâm lý tiêu cực trên, để niềm tin của nhân dân được khôi phục. Ai cũng thấy rằng bóng ma lạm phát vẫn còn đeo đuổi và ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế đất nước, do đó kiềm chế lạm phát vẫn phải là mục tiêu ưu tiên”.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng
ĐB Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) thì cho rằng, báo cáo của Chính phủ đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều ĐBQH băn khoăn về những con số, về tài chính tiền tệ, nợ công, việc làm, về sự chậm chễ trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Dù Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã giải thích về các con số tại báo cáo, nhưng ĐB Lê Nam cho rằng: “Giải thích này có vấn đề, thí dụ như các địa phương đều có tăng trưởng GDP cao, nhưng tổng tăng trưởng toàn quốc thì không phải như vậy”.
Ông Nam cho biết, có thể đánh giá được rằng tình hình kinh tế xã hội đã không xấu hơn, một số lĩnh vực có dấu hiệu hồi phục, chủ trương nhất quán là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ đáng được ghi nhận, nhưng bên cạnh đó còn nhiều mặt cần nhanh chóng khắc phục.
“Đã qua 5 kỳ họp thì có đến 4 kỳ họp đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và nhiều đoàn ĐBQH của các tỉnh khác đã kiên trì đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương tập trung mở rộng nâng đường quốc lộ 1A và xây dựng đường bộ cao tốc xuyên Việt.
Tại kỳ họp trước, Chính phủ cam kết đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc nâng cấp quốc lộ 1A và sau đó triển khai nhiều giải pháp để từ Hà Nội đến Cần Thơ có 1038km được mở rộng và tăng cường 200km.
Điều đáng hoan nghênh là Chính phủ là kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế theo hình thức BOT được 17 dự án tới trên 42 nghìn tỷ đồng. Phần vốn còn lại mặc dù Quốc hội đã đồng ý cho Chính phủ bảo lãnh các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng Nghị quyết của Quốc hội không có tính khả thi”, ĐB Nam nhắc lại kết quả thực hiện.
Qua đó, vị ĐB của tỉnh Thanh Hóa đề xuất, tại kỳ họp này, Quốc hội cần có Nghị quyết bố trí đủ vốn cho công trình đặc biệt quan trọng này. “Muốn CNH-HĐH đất nước mà không có nổi một con đường cho thực sự ra đường thì không thể thực hiện được những chủ trương, kế hoạch lớn”, ĐB Nam nói.
Trong khi nhiều ĐB đặt vấn đề rất cụ thể vào từng dự án thì ĐB Trần Du Lịch – TPHCM đưa ra tới 4 nhóm giải pháp tổng thể hỗ trợ cho 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội.
Thứ nhất: Phải xây dựng nhóm mục tiêu trung hạn, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Qua chương trình này, chính sách chủ đạo là chống lạm phát bị động sang chống lạm phát chủ động, tăng CPI từ 6,5 - 7% trong ba năm 2013 đến 2015, và sẽ kéo xuống dưới 5% trong những năm tiếp theo.
Sự chủ động như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc phối hợp ba chính sách, đó là: Chính sách tiền tệ; chính sách chi tiêu công; Lộ trình điều khiển giá các loại dịch vụ do Nhà nước kiểm soát. Chương trình này cần thực hiện ngay từ năm 2013, chứ không phải thực hiện các chính sách theo kiểu ăn đong nữa.
Thứ hai: Trên tinh thần chống lạm phát mục tiêu như vậy, đề nghị có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để trong ba năm (2013 đến 2015) tổng đầu tư xã hội đạt mức 30 - 32% GDP. Đây là sự đòi hỏi phối hợp chặt chẽ của cả hai chính sách tiền tệ tài khóa, nếukhông đạt mức đầu tư như vậy thì giai đoạn sau không thể phát triển được.
Thứ ba: Về chính sách tài khóa, tôi ủng hộ chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng đề nghị thực hiện ba năm liền từ 2013 đến 2015 chứ không thực hiện 6 tháng. Trong điều kiện hiện nay, đề xuất Quốc hội xem xét cho nâng trần bội chi ngân sách vượt 4,8% GDP, để xử lý cho được việc trả nợ các công trình đầu tư dang dở… Trong điều kiện hấp thụ tín dụng hạn chế thì đầu tư công, chi tiêu công như một cú hích của tổng cầu, và khi nền kinh tế hấp thụ tốt thì tín dụng cũng sẽ tăng.
Tuy nhiên, ĐB Lịch cũng thẳng thắn khi đề cập tới nguồn vốn Nhà nước: “Hiện nay, nhà nước còn rất nhiều nguồn lực, cần rà soát lại việc đầu tư công nghiệp nhẹ, những ngành không cần thiết như khách sạn, nhà hàng… cần phải thoái vốn. Tại sao chúng ta để hàng trăm nghìn tỷ đồng ở đây, trong khi thiếu tiền làm quốc lộ và nhiều việc khác? Nguồn lực nhà nước đang lãng phí”.
Thứ tư, đề nghị NHHH quan tâm hơn nữa tới tín dụng, đừng để DN nào có thị trường nhưng chết vì không tiếp cận được vốn tín dụng; đề nghị quan tâm tới chính sách tỷ giá hiện đang bất lợi cho nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp.
ĐB Lịch cũng đề nghị: “Phải đưa ra nghị quyết phục hồi nền kinh tế trong trung hạn để Chính phủ triển khai và Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH để giữa hai kỳ họp 5 và 6 những vấn đề gì thuộc thẩm quyền UBTVQH sẽ quyết định. Tôi tin rằng cử tri đang trông đợi những quyết sách như vậy”.