Đây là lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam mãi mãi chậm phát triển

Phí và thuế, tiền bôi trơn nhiều, năng suất lao động thấp... là một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam mãi mãi chậm phát triển.

Sáng nay (29/12), Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Công bố báo cáo khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp".

VCCI tiến hành khảo sát 180 doanh nghiệp ở 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh gồm các doanh nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm, da giày, dệt may, công nghiệp lắp ráp, điện- điện tử, ngân hàng.

Kết quả cho thấy:

- 55% doanh nghiệp có nhận thức, hiểu rõ về liêm chính và đồng ý cho rằng liêm chính tạo ra rào cản với nạn tham nhũng,

- Hơn 92% doanh nghiệp hiểu biết về quy tắc ứng xử trong kinh doanh,

- 29% doanh nghiệp cho biết họ đã triển khai chính sách về liêm chính.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư kí Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, hiện nay, doanh nghiệp Việt nhận thức đầy đủ về liêm chính nhưng thực tế vẫn phải đi cửa sau để thuận lợi trong kinh doanh.

Khi được hỏi về việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, có doanh nghiệp ở T.P. Hồ Chí Minh nói rằng nếu lên tiếng nói về tham nhũng thì ngay hôm sau doanh nghiệp họ sẽ bị cắt điện, nước, hàng hóa khó thông biên và gặp khó khăn trong kinh doanh.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam chậm phát triển chính là phí và thuế chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận doanh nghiệp phải chi trả.

Và doanh nghiệp Việt Nam làm được 1 đồng cũng phải chi gần 1 đồng cho bôi trơn.

Cụ thể, tiền bôi trơn của DN Việt Nam chiếm tới 0,72-1,02% lợi nhuận của họ.

Nghĩa là DN làm ra 1 đồng lợi nhuận thì họ phải đóng ít nhất 0,72 đồng, thậm chí là cao hơn cả lợi nhuận tới 0,2 đồng cho phí tham nhũng, bôi trơn.

"Ban đầu tôi và nhiều người quả thực không tin. Bởi nếu như thế, nó thực sự là rào cản rất lớn của doanh nghiệp (DN).

Song, thực chất nó là điều tra chuẩn xác của WB, cũng được Bộ Tài chính đưa ra trong hội thảo gần đây”, bà Lan cho hay.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước gần như không lớn lên được, mặc dù số lượng ra đời nhiều nhưng quy mô lại nhỏ đi.

Biến động của số lượng doanh nghiệp từ năm 2010-2014 cho thấy, doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao, đăng ký doanh nghiệp mới lớn nhưng số đăng ký mới có nhiều trường hợp đăng ký năm trước nhưng năm sau lại dừng, tồn tại không được.

Giải thể thấp là nhiều doanh nghiệp đã chết mà không chôn được.

Về năng suất lao động, nếu so sánh với Trung Quốc thì doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Việt Nam khá là thấp.

Về khởi nghiệp, tỷ số khởi sự kinh doanh thấp. Tỷ lệ người trưởng thành ở VN có ý định khởi sự kinh doanh chỉ có 23%, so với các nước khác là 45%.

Tỷ lệ người VN có tự tin để khởi sự kinh doanh chỉ bằng một nửa so với các nước cùng phát triển. Vì người dân Việt Nam không có tinh thần kinh doanh...

Cũng theo thông tin từ bà Lan, trong những năm qua, tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu luôn thấp hơn DN lớn, chỉ có 16,8% so với 83,2%, trong khi ở các nước khác là 23% so với 77%.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chỉ chiếm 21% tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia.

Điều này khiến DNVVN Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại