Đấu thầu vàng: Giá vàng trong nước đẩy cao so với giá thế giới

Sau những phiên đấu thầu vàng của NHNN thì khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới lại được giãn rộng.

Sau phiên đấu thầu vàng có kết quả khá bất ngờ và thất vọng ngày 28.3, hôm qua (4.4), ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bớt dè dặt hơn khi ấn định mức giá sàn 43,23 triệu đồng/lượng, thấp hơn 400.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó (3.3). Kết quả là 25.700 lượng vàng đã được tiêu thụ, gấp hơn 10 lần so với phiên đấu thầu lần đầu với mức giá thấp nhất là 43,23 triệu đồng/lượng và cao nhất là 43,37 triệu đồng/lượng.

Giá vàng niêm yết của các doanh nghiệp giảm nhẹ vào phiên giao dịch buổi sáng và tiếp tục giảm trước giờ đóng cửa hôm qua, về sát ngưỡng giá giao dịch thành công trong phiên đấu thầu của NHNN. Cụ thể, vàng SJC của công ty SJC giảm 200.000 – 400.000 đồng/lượng vào đầu giờ sáng và tiếp tục giảm thêm 50.000 đồng/lượng giá bán ra trong buổi chiều, còn 42,2 triệu đồng/lượng giá mua vào, 43,35 – 43,37 triệu đồng/lượng giá bán ra.

Càng đấu thầu, giá vàng trong nước càng cao so giá thế giới
 

Vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận còn 43,25 – 43,335 triệu đồng/lượng, giảm gần 170.000 đồng/lượng giá mua vào, giảm 425.000 đồng/lượng giá bán ra. Vàng SJC của Doji cũng giảm mức tương tự. Biên độ giá giữa mua vào với bán ra cũng được thu hẹp lại, từ mức 180.000 đồng/lượng (Doji) đến 220.000 đồng/lượng (PNJ) của buổi sáng giảm xuống còn 85.000 đồng/lượng, riêng SJC vẫn giữ chênh lệch giá mua – bán 150.000 đồng/lượng.

Trong bản tin phát đi ngày 4.4, đại diện NHNN khẳng định, thông qua phiên đấu thầu, NHNN tiếp tục tăng cung vàng miếng trên thị trường và tham gia thị trường với tư cách người mua bán cuối cùng, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. NHNN cũng cho biết, hôm nay (5.4) tiếp tục tổ chức đấu thầu 26.000 lượng vàng và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phiên đấu thầu khác trong tháng 4 để tăng cung cho thị trường.

Lượng tiêu thụ 25.700 lượng vàng trong phiên đấu giá hôm qua – dù ở mức giá cao hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới – cho thấy, nhu cầu của các ngân hàng, doanh nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, điều thị trường trông đợi nhất qua hàng loạt các chính sách của NHNN với vàng cũng như qua hai phiên đấu thầu là giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới, đã không được như kỳ vọng!

Cụ thể, chiều qua, giá vàng thế giới xấp xỉ 1.544 USD/ounce. Nếu quy đổi, mỗi lượng vàng trong nước vẫn đắt hơn 4,4 – 4,5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Như vậy, so với phiên đấu giá lần đầu (28.3), khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới đã tăng thêm hơn 1 triệu đồng/lượng.

Trả lời báo giới trước đó, đại diện lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, mức giá sàn được NHNN ấn định trên cơ sở “hợp lý thị trường”, không để phục vụ lợi ích của nhóm nào (dù là nhóm đầu cơ, hay cắt lỗ…) mà vẫn đảm bảo tài sản của Nhà nước.

Nói như vậy, và hành động như vậy, có thể coi NHNN chấp nhận mức chênh lệch lớn giữa giá trong nước – thế giới là “hợp lý thị trường”? Và thực tế đang diễn ra tình trạng, khoảng cách giá đang nới rộng ra một cách phi lý, sau hai phiên đấu thầu của NHNN, trong bối cảnh giá thế giới đang giảm nhanh và mạnh.

Trước diễn biến này, thị trường có quyền nghi hoặc khả năng “bình ổn thị trường” vàng của NHNN, dù còn nhiều phiên đấu giá sẽ được tổ chức. Và khi mà giá vàng SJC tiếp tục “ngự” ở mức giá phi lý khi đắt hơn giá thế giới và đắt hơn các thương hiệu vàng “phi SJC” khác, người dân sẽ mất lòng tin ở thương hiệu vàng quốc gia này mà việc các doanh nghiệp tăng sản xuất, tiêu thụ các loại nhẫn có trọng lượng lớn là một dấu hiệu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại