Những thông tin mua bán cây cảnh tiền tỷ để đón Tết được rò rỉ từ giới đại sành chơi cây cảnh khiến cho không ít người "sốc". Ít ai ngờ trong thời buổi khó khăn nhưng thị trường cây cảnh vẫn đang sôi động.
Nhiều đại gia có xu hướng mua những cây có tiềm năng trờ thành siêu cây và cũng không ít đại gia chi hàng tỷ đồng mua siêu cây về nhà chơi như là một cách đầu cơ rồi bán lại kiếm lãi cả tỷ.
Mới đây, tại cuộc triển lãm sinh vật cảnh Asean tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, nhiều đại gia cây cảnh mang những "bảo bối" có giá trị hàng tỷ đồng của mình ra trình diễn.
Song, phân khúc các cây từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng vẫn là nơi được nhiều người chơi nhắm đến nhiều nhất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ngọ - người có thâm niên chơi cây cảnh (Đồng Trúc - Thạch Thất - Hà Nội) - với giá như vậy người bán thường không có lãi.
Bởi để có được giá trị như vậy người bán phải bỏ công chăm sóc, tâm huyết trong vòng 6 - 10 năm. Tính theo giá trị trung bình ngày công chỉ đáng giá vài chục nghìn đồng.
Ông Nguyễn Văn Ngọ cho biết, sau cuộc triển lãm này, ông được nhiều đại gia gọi điện năn nỉ ngỏ ý muốn mua bảo bối của mình đó là tác phẩm: "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" với giá 5 tỷ đồng nhưng ông không bán.
Theo ông Ngọ, tác phẩm này hiện tại có thể định giá từ 4 - 5 tỷ đồng. Còn tại thời điểm đỉnh cao của thị trường cây này có người trả 12 tỷ đồng.
Ông Ngọ giải thích, đây là bảo bối đầu tay vào nghề của ông, thế cây đẹp, tuổi đời 120 năm. Ông Ngọ cũng cho rằng, thành công của ông ngày nay có thể do tác phẩm này đã tạo cơ duyên, đem đến nhiều lộc cho ông.
Lộc mà ông được hưởng không chỉ cơ ngơi ngày càng hoành tráng hơn mà ông được sở hữu nhiều tác phẩm đẹp mà nhiều đại gia cây cảnh trong nghề phải thèm muốn.
Trong khi đó, ông Trần Văn Vịnh ở Sơn Tây - Hà Nội cũng tiết lộ, sau cuộc chiển lãm vừa qua có không ít đại gia vung hàng tỷ đồng đầu tư siêu cây.
Tuy nhiên, mỗi cuộc giao dịch này thường rất thầm lặng, người mua không như trước, mua xong rồi mời bạn bè đến ăn mừng, ngắm cây như để khoe mẽ.
Thậm chí, nhiều người mua yêu cầu người bán phải giữ kín thông tin giao dịch, lý do cần được giấu kín vì không ít đại gia vung tiền tỷ như vậy nhưng vẫn trong cảnh nợ nần.
Ông Vinh 'bật mĩ': mới đây, một cuộc mua bán với siêu cây giá trị lên đến 8 tỷ đồng ở Bắc Ninh đã thành công nhưng thông tin chỉ dừng lại ở tên người bán chứ không được tiết lộ danh tính người mua.
Khu vườn mới được mở rộng quy mô của một đại gia cây cảnh tại Thạch Thất - Hà Nội.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, không ai nghĩ thị trường cây cảnh lại trở nên khả quan, nhiều người chơi đã có chút hy vọng đổ tiền vào đầu tư.
Rất nhiều người đã bỏ ra hàng tỷ đồng cải tạo vườn tược, đắp đường ống dẫn nước vào các khu đất được cải tạo, nơi sẽ là cơ ngơi hoành tráng có quy mô lớn hơn rất nhiều.
Nhiều đại gia cây cảnh tâm sự, đây có thể là dịp đầu tư thuận lợi nhất nếu như người chơi có đủ tài chính vững vàng.
Không giống thị trường ảm đạm như mấy năm trước, thời điểm đó là người có tiền, có cây đều dừng lại chờ đợi, thăm dò, không dám vung tiền.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi biến động đã được ổn định, thị trường có đôi chút nóng lên do những người có tài chính vững vàng đua nhau mua vào om hàng.
Còn ông Đỗ Văn Thoại, đại gia cây cảnh có tiếng đất Xuân Mai - Hà Nội, chia sẻ: nếu như thị trường nóng trở lại như xưa chắc chắn sẽ hình thành "nước chảy vào chỗ trũng".
Tiền sẽ đổ vào các đại gia cây cảnh nếu như biết đầu tư găm hàng từ thời điểm này.
Vì đây là thời điểm nhiều đại gia chơi cây và kinh doanh có đủ tài chính chịu vung tiền, ganh nhau mua những cây có tiềm năng trở thành siêu cây nhưng giá chỉ từ nửa tỷ đến 1 tỷ, mua về có bỏ công chăm sóc, thiết kế lại chờ thị trường nóng bán ra lãi hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo một tay chơi cây cảnh có tiếng ở Tiên Sơn - Bắc Ninh, gần Tết nên thị trường có xu hướng nóng lên nhưng rồi sẽ sớm quay trở lại vòng ảm đạm.
Ông cho rằng nhận định của nhiều người không hoàn toàn đúng vì thú chơi cây cảnh bạc tỷ này được các đại gia chơi quanh năm, đây là thú chơi tao nhã, tốn kém, chỉ người có rất nhiều tiền mới dám chơi, nên việc cận Tết Nguyên đán không phụ thuộc nhiều đến thị trường.