Theo ông Thịnh, trong nước thải sinh hoạt hàng ngày người dân xả nước trực tiếp xuống cống rãnh, mỡ thừa không hòa tan trong nước vì thế nó sẽ nổi lên trên bề mặt. “Đó chính là lý do tại sao một số cơ sở sản xuất lại dùng nước cống rãnh, hay nói cách khác là vớt mỡ nổi ở cống rãnh để sản xuất dầu ăn” – ông Thịnh lý giải.
Ông Thịnh cho biết ở các nước phát triển họ thường thu hồi dầu mỡ dưới các cống rãnh để xử lý môi trường hoặc để tái chế, bôi trơn, rửa máy. “Việc dùng váng nổi của dầu mỡ thực phẩm tái chế thành dầu mỡ ăn hàng ngày là việc làm quá nguy hiểm. Khi dầu mỡ vào nước, nó rất dễ bị hòa tan và nhiễm rất nhiều các chất độc khác nhau, thêm vào đó là việc vi khuẩn thâm nhập. Như vậy là ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng” - ông Thịnh nói.
Ông Thịnh khuyến cáo người dân không nên ham rẻ mà mua những thứ dầu mỡ không rõ nguồn gốc.
Dầu ăn chế biến từ nước thải.
Trước đó, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Đài Loan cho biết có tới hơn 1.200 doanh nghiệp địa phương sử dụng dầu bẩn được làm từ rác thải, cống rãnh do Tập đoàn Chang Guann sản xuất, trong đó có các công ty thực phẩm lớn của Đài Loan. Các sản phẩm nhiễm bẩn đã được xuất sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Việt Nam, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.
Sau khi nhân được thông tin, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát danh sách các sản phẩm dầu ăn, sản phẩm từ dầu ăn của Đài Loan được công bố nhập khẩu vào Việt Nam. Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại Cửu Hương (TP.HCM) dừng lưu thông và thu hồi hai sản phẩm chứa dầu bẩn của Công ty Wei Chuan, Đài Loan trước ngày 20/9.
Hai sản phẩm bị thu hồi là dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp loại 170g, số lượng 240 thùng và sốt thịt cay, đóng hộp loại 150g, số luợng 240 thùng.