Đập hay không đập ba tháp chọc trời Thuận Kiều Plaza?

VÕ HƯƠNG - HẢI ĐĂNG - A.N - M.N |

Trước thông tin phá dỡ Thuận Kiều Plaza, Tuổi Trẻ đã trao đổi với chủ mới của tòa nhà ba tháp chọc trời này để tìm câu trả lời chính thức.

Ông Hồ Xuân Dũng - phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư An Đông - chủ dự án Thuận Kiều Plaza cho biết doanh nghiệp này hiện đang xây dựng các phương án sửa chữa, nâng cấp toàn tòa nhà này để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trong khu vực cũng như đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư.

Cải tạo, nâng cấp, không phá dỡ

Theo ông Dũng, do đưa vào khai thác gần 20 năm nên tòa nhà này có một số hạng mục đã xuống cấp, hoặc không phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay.

Do đó, các phương án nâng cấp sẽ thực hiện theo hướng đảm bảo cho dự án đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng, cảnh quan môi trường cũng như tạo sắc thái mới đẹp hơn cho tòa nhà.

Tuy nhiên, các công năng ban đầu của dự án như nhà ở, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại sẽ vẫn được giữ nguyên.

“Chúng tôi vẫn đang xây dựng phương án trước khi trình cơ quan chức năng nên chưa có thông tin cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ chỉ cải tạo, nâng cấp chứ không phá dỡ công trình này”, ông Dũng khẳng định.

Những tiêu chuẩn như phải phá bỏ như thế nào, tiêu chuẩn về an toàn xung quanh ra sao, tính toán việc ngã đổ công trình và những rủi ro có thể gặp phải thì VN chưa có

Một chuyên gia về xây dựng

Trước đó, từ thông tin về việc phá dỡ Thuận Kiều Plaza, nhiều người đặt câu hỏi với những tòa nhà đồ sộ thì việc phá dỡ sẽ tiến hành như thế nào?

Ý kiến của các chuyên gia về những khó khăn, thách thức trong việc phá dỡ những công trình cao tầng trong đô thị.

Trao đổi với một số chuyên gia ngành xây dựng, họ cho thường biết có ba phương án thông dụng.

Một là phá dỡ theo kiểu truyền thống, thủ công. Hai là dùng phương án các nước vẫn thường tiến hành là đặt thuốc nổ. Và ba là kết hợp cả hai phương án này.

Việc phá dỡ các tòa nhà cao tầng có thể làm nhưng không đơn giản.

Phương pháp thủ công đòi hỏi thời gian thực hiện lâu dài, nhất là đối với những công trình cao tầng.

Nếu dùng thuốc nổ thì chỉ cần khoảng 1 phút là tòa nhà sụp đổ hoàn toàn nhưng phương pháp này đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ trình độ kỹ thuật đến kết cấu của những công trình xung quanh.

Một giảng viên về xây dựng cho ý kiến: Đối với công trình nằm trong khu đô thị thì phải cân nhắc nhiều yếu tố khi tiến hành phá dỡ để đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, ở VN chưa có công trình nào được phá bỏ bằng phương pháp đặt thuốc nổ.

“Khi tiến hành kỹ thuật đặt thuốc nổ, các kỹ sư xây dựng phải tính toán rất kỹ sao cho công trình đổ vào trong chứ không đổ ra ngoài hoặc đổ nghiêng.

Quá trình diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng một phút sau khi mìn nổ, công trình đã bị phá dỡ hoàn toàn.

Nếu phương pháp được thực hiện đúng, sẽ chỉ có một “đám mây” bụi được tạo ra chứ không hề có hiện tượng văng vật liệu xây dựng ra ngoài.

Ngược lại, nếu chỉ cần một tính toán sai, một ngòi nổ chậm một giây đồng hồ thì đã có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh”, ông Sơn phân tích kỹ hơn.

Hình ảnh phá dỡ một tòa nhà cao tầng - Ảnh chụp từ clip
Hình ảnh phá dỡ một tòa nhà cao tầng - Ảnh chụp từ clip

Phá bằng thuốc nổ như thế nào?

Để làm được điều đó, theo ông Nam Sơn, các KTS phải tính toán việc đặt thuốc nổ ở đâu sao cho đúng vào những điểm yếu của công trình để tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Không những vậy còn phải xem xét kỹ việc cho nổ chỗ nào trước, chỗ nào sau.

"Nếu chủ đầu tư không thể đảm bảo về mặt trình độ cũng như an toàn cho người dân khi thực hiện phương pháp này thì nên phá dỡ bằng cách truyền thống tuy chậm hơn nhưng lại đảm bảo tính an toàn”, ông Sơn phân tích.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Lưu Trường Văn (giảng viên bộ môn Kỹ thuật xây dựng, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá việc phá dỡ những tòa nhà nằm trong khu đô thị ở VN bằng phương pháp nổ mìn là không khả thi.

Không phù hợp cũng là ý kiến của TS. KTS Nguyễn Cao Lãnh (ĐH Xây dựng Hà Nội).

“Nếu xung quanh tòa nhà có khoảng trống bán kính trên 50m thì có thể dùng phương pháp đặt thuốc nổ.

Tuy nhiên, đối với các tòa nhà gần sát khu dân cư, xung quanh không hề có khoảng trống thì có lẽ dùng phương pháp này không phù hợp mà phải tháo dỡ từng phần”, ông Lãnh nhận định.

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Trường Văn, đối với những công trình cao tầng trong khu dân cư, thách thức lớn nhất khi phá bỏ bằng phương pháp nổ mìn là vấn đề khử chấn động.

Nếu không có phương án hữu hiệu để khử chấn động thì những công trình xung quanh sẽ bị nứt từ ảnh hưởng của việc phá bỏ bằng nổ mìn.

Đặt câu hỏi vì sao những công trình ở nước ngoài nằm giữa khu đô thị hoặc có các tòa nhà lớn xung quanh vẫn có thể phá bỏ bằng cách nổ mìn, PGS.TS Nguyễn Trường Văn cho rằng những tòa nhà ở nước ngoài đều được thiết kế chống động đất.

Do đó, khi tính toán chấn động của việc phá dỡ tòa nhà bằng mìn nhỏ hơn chấn động do động đất gây nên thì việc phá dỡ có thể tiến hành.

Trong khi đó, nhà dân ở VN phần lớn lại không được thiết kế chống động đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại