Liên quan đến việc Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn cục thuế tỉnh, thành phố xác định thuế GTGT đối với các hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, Tổng cục Thuế cho rằng, doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cũng thuộc hoạt động kinh doanh vàng. Và từ ngày 1-3-2013, hoạt động chế tác vàng, đồ trang sức thuộc đối tượng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ truởng - Phó Ban tuyên truyền lý luận - Báo Nhân dân cho rằng, việc đánh thuế như vậy là nhằm tránh đầu cơ, giảm tình trạng vàng SJC "nhái" và tăng thu ngân sách.
"Việc đánh thuế như vậy trước hết là tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Thứ nữa là nhằm tránh lạm dụng vàng trang sức biến thành vàng miếng trên cơ sở chế tác đơn giản và sau đó là buôn đi bán lại hay nói cách khác là nhằm tránh hoạt động kinh doanh vàng trang sức.
Ở mục tiêu như vậy, thì có thể thông cảm được nhưng xét trên góc độ lợi ích của người dân cũng như các cơ sở kinh doanh vàng chế tác được coi là nghề truyền thống thì lại không tốt", Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng bày tỏ lo ngại về việc áp thêm thuế GTGT này sẽ khiến giá vàng tăng thêm.
"Việc áp thuế chắc chắn sẽ khiến cho giá vàng trang sức tăng thêm, đó là cái lo chính đáng. Điều thứ hai cũng cần phải nhắc tới đó là nó sẽ khiến cho một số hoạt động kinh doanh vàng chế tác sẽ giảm xuống và ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của những người làm nghề này. Đó là mặt trái", Tiến sĩ Phong nói.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, cái rối nhất của thị trường vàng hiện nay, đó là việc giá vàng trong nước và giá thế giới vẫn đang có độ vênh nhau lớn
"Cái rối của thị trường vàng là ở chỗ, giá vàng trong nước và thế giới vẫn đang có độ vênh nhau quá cao. Nó khiến cho mục tiêu ban đầu mà Ngân hàng Nhà nước nói đưa ra về sát giá thị trường thế giới là không thực hiện được. Thêm vào đó, nhiều người cũng đang than phiền về chênh lệch giá giữa vàng SJC và phi SJC
Ngoài ra còn việc quy định về thương hiệu, nghĩa vụ của các đơn vị kinh doanh vàng thương hiệu cũng chưa rõ. Còn ở vàng trang sức thì ít hơn, bởi có áp thuế vào thì chỉ làm tăng thuế và gánh nặng vào giá mà thôi, chứ nó không làm rối", TS Phong phân tích.
Về lo ngại, việc đánh thuế vàng sẽ làm nở rộ vàng chợ đen, TS Phong cho rằng, việc đó có thể xảy ra, tuy nhiên không đáng lo ngại.
"Việc người dân không bán vàng cho ngân hàng mà sẽ đưa ra thị trường "chợ đen" hoàn toàn có thể xảy ra bởi lúc đó, giá ở "chợ đen" sẽ không phân biệt nặng như trong các cơ sở nhà nước và người kinh doanh ở thị trường ngoài sẽ linh hoạt hơn. Nhưng số lượng người dân chỉ loanh quanh vài ba chỉ đó sẽ không nhiều mà cái nhiều ở đây là hoạt động đầu cơ...", TS Phong cho hay.
TS Phong cũng đề nghị, việc đánh thuế vàng cần phải xem xét thật kỹ và mức thuế phải phù hợp, nhằm tránh mặt tiêu cực có thể xảy ra.
"Việc đánh thuế này làm sao vừa để ngăn chặn các hoạt động tiêu cực, gây ảnh hưởng đến thị trường nhưng cũng lại phải vừa khuyến khích, tạo điều kiện cho các hoạt động chế tác vàng phát triển bình thường, nhất là trong thời điểm kinh tế, việc làm đều khó khăn này", TS Phong đề nghị.
Cùng với đó, trao đổi với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội cũng cho rằng, việc đánh thuế vàng này còn quá nhiều bất cập, khập khiễng.
"Vàng trang sức hay vàng miếng đề là những hàng hoá mà từ xưa đến nay đã được người dân lựa chọn mua để tích trữ. Chưa kể, việc chế tác vàng, bạc còn là nghề truyền thống ở nhiều nơi, tạo công ăn việc làm, giá trị kinh tế cao.
Nay đánh thuế như vậy, thì sẽ đẩy giá tăng theo, khi giá tăng theo thì người dân sẽ phải bỏ thêm tiền ra để mua. Hay nói cách khác, túi tiền của người dân sẽ bị hao thêm, chưa kể giá vàng hiện nay còn ngay giữa vàng SJC và phi SJC còn chênh lệch, chứ chưa nói đến chênh lệch với giá thế giới. Thêm vào đó, việc này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến việc chế tác, kinh doanh, việc làm, thu nhập của người làm...", vị này nhấn mạnh.