Bản chất của ngành cà phê hòa tan Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi 70% dân sinh sống ngoài các thành phố lớn ưa chuộng loại cà phê này do sự tiện lợi, giá cả cạnh tranh cùng nhiều sự lựa chọn. Người tiêu dùng từng bước trải nghiệm những loại cà phê của nhiều hãng khác nhau, tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài đằng đẵng trôi qua, ngôi vị “đế vương” của ngành cà phê Việt dường như vẫn chưa hề bị thay đổi.
Sau những sóng gió lùm xùm quanh câu chuyện "cà phê thật" cách đây không lâu, Vinacafe Biên Hòa gần như không có động thái nào cho hình ảnh của mình. Trong khi đó, các đối thủ của họ dần bứt tốc để dành giật thị phần của Vinacafe Biên Hòa.
Đặc biệt, vẫn chưa ai có thể soái ngôi Nestlé với thương hiệu Nestcafe - thương hiệu đứng thứ 2 thị trường cà phê Việt Nam về doanh số nhưng lại đứng đầu về thị trường hòa tan 3in1 vốn là sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam.
Sau khi thất bại trong kế hoạch chinh phục thị trường khi cho ra đời sản phẩm cà phê nước, Nestlé quay về với sản phẩm truyền thống để bảo toàn thị phần mà mình đang có và tìm kiếm cơ hội lấy "bánh" từ tay đối thủ.
Trong khi đó, Trung Nguyên với nhãn hàng G7 cùng chiến lược "yêu nước", đang tỏ ra dần thất thế với các đối thủ khác khi không tạo ra được sự mới mẻ trong hình ảnh thương hiệu và cách quản trị bộ máy của chính mình. Với chiến lược bán hàng bám víu vào chợ truyền thống - nơi chỉ tập trung bán những sản phẩm cho các bà nội trợ, vốn là đối tượng ít sử dụng cà phê, nên Trung Nguyên khó có thể tiếp cận trực tiếp với nhóm khách hàng chính được.
Ngoài ra, do quá mải mê chạy đua với Starbucks, The Coffee Bean và Highland coffee trong cạnh tranh phân khúc cà phê chuỗi, ông “vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ đã không còn tập trung nhiều cho nhóm hàng vốn đang là nguồn đóng góp doanh thu cao nhất cho Trung Nguyên. Điều này được thể hiện qua chiến lược marketing không mấy sáng tạo của Trung Nguyên trong thời gian qua.
Với Vinacafe Biên Hòa - ông lớn đang nắm 40% thị trường cà phê hòa tan trong tay, sau 1 thời gian vắng bóng và không có nhiều khởi sắc bởi sự cố "cà phê thật" bị bốc mẽ, hiện đã dần thay đổi chiến lược. Thay vì kiểu quảng cáo “hù dọa” người tiêu dùng như trước đây, Vinacafe Biên Hòa đã định hình sản phẩm tốt hơn, xuất hiện với hình ảnh ấn tượng hơn cho dòng sản phẩm mới và chiến lược cạnh tranh hợp lý hơn khi cơ cấu lại kênh bán hàng của chính mình và chọn cách tiếp cận nhóm khách hàng tốt hơn trước.
Cuộc chiến cà phê hòa tan Việt càng dần nóng lên khi trên thị trường rộ lên thông tin cà phê Phindeli đang chuẩn bị ra mắt nhãn hàng hòa tan mới của mình. Đây là điều không thể tránh khỏi khi Phindeli về tay Kinh Đô - 1 công ty hàng tiêu dùng có hệ thống phân phối khá lớn ở Việt Nam.
Sự cạnh tranh gay gắt sẽ diễn ra nếu như “hơi nóng” của Kinh Đô phả vào gáy của Trung Nguyên, Netslé, Vinacafe Biên Hoà. Có thể thấy một điều hiển nhiên rằng: Kẻ yếu sẽ bị mất thị phần vào tay đối thủ nếu không có chiến lược phát triển bền vững mang yếu tố đột phá.
Mới đây, Tập đoàn Dao Heuang Group (DHG) - nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất của Lào - đã bắt đầu tham gia thị trường cà phê Việt Nam thông qua việc chọn một công ty Việt Nam làm nhà phân phối độc quyền sản phẩm tại Việt Nam. Tập đoàn này tự tin rằng sẽ cạnh tranh tốt với các doanh nghiệp cà phê hiện đang có mặt tại Việt Nam.
“Dù thị trường cà phê hòa tan Việt Nam có diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nổi tiếng nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp mới và DHG tin tưởng có thể cạnh tranh tốt ở Việt Nam” - Bà Boonheuang Litdang, Phó Chủ tịch của DHG đã khẳng định.
“Chỉ tính riêng việc thương hiệu Dao coffee đang rục rịch chuẩn bị xuất hiện tại Việt Nam cũng đủ để thấy trận chiến trong ngành cà phê hòa tan Việt đang được dẩy lên một nấc thang mới cao hơn như thế nào!” – một chuyên gia ẩm thực nhận xét.