Đại gia vật vã vì... thừa tiền

Trong khi cả nền kinh tế đang khốn khó vì cạn vốn, khan tiền thì nhiều 'đại gia' lại có nỗi khổ không giống ai vì thừa quá nhiều tiền.

Ứ cả đống tiền mặt

Đến cuối 2013, Công ty chứng khoán Kim Long (KLS) có tổng số tiền mặt trị giá 851,6 tỷ đồng. Mặc dù làm ăn khá tốt và chiến lược xoay xở đồng tiền nhạy bén nhưng đây là điểm mà các cổ đông đã đặt ra cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này.

Lãnh đạo KLS cho biết, công ty phải kết hợp giữa an toàn thận trọng và hợp lý. "Con số 851 tỷ đồng tiền mặt tới cuối 2013 là lớn nhưng so với vốn chỉ chiếm 1/3 nên doanh nghiệp sẽ đầu tư mua vào bán ra vào thời điểm thích hợp".

Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng có lượng tiền tăng vọt từ mức 4.077 tỷ đồng cuối năm 2012 lên 7.460 tỷ đồng vào cuối năm vừa qua cho dù đã bỏ tiền đầu tư tài chính rất nhiều.

BVH, nhiều doanh nghiệp khác có lẽ gặp nhiều khó khăn để tìm cách sinh lời với khối lượng tiền mặt khá nhiều của mình khi lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh và còn giảm tiếp. Họ không phải là công ty chứng khoán hay chuyên về tài chính để tận dụng lúc thị trường chứng khoán sôi động, và có thể nhiều trong số đã không còn mặn mà với kênh đầu tư này sau khi chứng kiến rất nhiều nạn nhân chết vì đầu tư đa ngành với chứng khoán và bất động sản.

Đại gia vật vã vì... thừa tiền

Báo cáo tài chính 2013 của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PVGAS (GAS) cho thấy, doanh nghiệp này có tiền và tương đương tiền tăng vọt từ 12.700 tỷ đồng cuối 2012 lên gần 18.300 đồng cuối 2013. Trong đó, riêng tiền mặt vẫn ở mức rất cao gần 2.900 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng có tiền mặt dư dả tính đến cuối 2013 như: PVD (2.600 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, gần 940 tỷ đồng tiền mặt); DPM (tiền mặt tăng từ 292 tỷ lên 436 tỷ đồng); DHG (613 tỷ đồng)...

Tình trạng thừa tiền trong hệ thống ngân hàng cũng rất lớn. Gần đây các ngân hàng rất thờ ơ với thị trường mở, không có nhu cầu vay tiền từ Ngân hang Nhà nước trong khi họ đồng loạt đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi để giải quyết vốn "ế" như các gói cho bất động sản hàng chục nghìn tỷ đồng, các gói tín dụng tiêu dùng hàng nghìn tỷ đồng...

Vật vã với núi tiền?

Kinh doanh là để sinh lời, do vậy các ngân hàng cũng như doanh nghiệp hiếm khi để tiền "nằm chết". Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các kênh đầu tư đều kém hấp dẫn như thời gian gần đây, trong khi đầu tư sản xuất khó mở rộng thì tìm kiếm một cách giải tiền dư thừa cũng không hề dễ dàng.

Tiền cho kinh doanh còn ế thừa, do vậy nhiều doanh nghiệp niêm yết gần đây không ngần ngại chia hết lợi nhuận cho cổ đông thông qua cổ tức ở mức cao.

Đại gia vật vã vì... thừa tiền

Đại gia tiền mặt DPM vừa trình đại hội cổ đông cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 50% thay vì 25% như kế hoạch, tương đương khoảng 1.900 tỷ đồng chia cho cổ đông. Doanh nghiệp này cũng dự tính trích quỹ khen thưởng 8% lợi nhuận sau thuế, tương đương hơn 171 tỷ đồng.

Một ông lớn khác là PVGAS (GAS) cũng dự trình chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 42%/mệnh giá, cao hơn gấp đôi kế hoạch đại hội cổ đông giao (20%). Số tiền doanh nghiệp dự kiến sẽ phải bỏ ra để chia cho các cổ đông lên tới gần 8.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang tính đến tỷ lệ cổ tức cao hơn như Khoáng sản Hà Giang lên kế hoạch cổ tức tối thiểu 50% cho năm 2014; Bánh kẹo Hải Hà đang được đề nghị cải thiện cổ tức; Kim Long cũng đã xin đại hội thông qua quyền tạm ứng cổ tức để tiến hành chia lợi nhuận nhanh chóng hơn trong năm 2014...

Không chỉ chia tiền qua cổ tức, nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt cũng đã dành những khoản tiền không nhỏ cho cán bộ công nhân viên. Hòa Phát (HPG) dự kiến trích thưởng Ban điều hành 41 tỷ đồng; Thủy sản Hùng Vương trích hơn 100 tỷ đồng thưởng Tết vừa qua...

Với các ngân hàng, dư thừa vốn khiến họ thờ ơ với thị trường mở, trong khi lại sốt sắng với thị trường trái phiếu.

Báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cho biết, trong quý I, đơn vị này đã huy động được gần 35 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Với lãi suất huy động trái phiếu kỳ hạn 2 năm chỉ quanh ngưỡng 6%, 3 năm ở mức 6-7,3%, 5 năm từ 7-7,8%... nhưng thị trường này đang rất sôi động.

Tính chung cả trái phiếu chính phủ và các giấy tờ có giá trị khác đã có tới 75 nghìn tỷ đồng được các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế (bảo hiểm, quỹ đầu tư) mua trong quý I vừa qua.

Gần đây, các ngân hàng và doanh nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu để hoạt động một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, một điểm có thể nhận thấy rõ là không nhiều doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất kinh doanh cho dù dư thừa tiền và có thể vay thêm được từ doanh nghiệp.

Các ngân hàng trong khi đó gặp khó khăn bơm tiền ra cho nền kinh tế. Doanh nghiệp tốt không muốn vay thêm, doanh nghiệp yếu không đủ điều kiện để vay. Tiền một phần khá lớn được đem cho Nhà nước vay để đầu tư công, nhưng có lẽ cũng không thuận do chi ngân sách đã ở mức cao. Tín dụng tiêu dùng được nhiều ngân hàng chọn là giải pháp cứu cánh. Hàng loạt các gói cho vay tiêu dùng hấp dẫn như mua ô tô lãi suất 6-7%, xong thủ tục trong vòng vài giờ... đã được tung ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự dư thừa tiền chỉ xảy ra ở một số doanh nghiệp và một số ngân hàng. Và có lẽ nó phản ánh một góc yếu kém khi nền kinh tế vận hành chưa ổn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại