Đại gia ngân hàng Trần Hùng Huy: Thoát khỏi bóng cha, vượt ra “tâm bão”

Ngọc Anh |

Trần Hùng Huy trở thành sếp lớn nhất của ngân hàng ACB khi tuổi đời còn quá trẻ, lại đúng lúc ngân hàng này có scandal bầu Kiên khiến thị trường tài chính chao đảo. Nhưng bằng tài năng của mình, vị đại gia giàu thứ 2 trong top 10 sếp ngân hàng giàu nhất sàn chứng khoán năm 2014, đã đưa con thuyền ACB vượt ra khỏi "tâm bão"

30 tuổi, Trần Hùng Huy đã là thành viên HĐQT trước những đồn đoán được "trải thảm đỏ".

4 năm sau, đúng lúc Ngân hàng Á Châu gặp sóng gió, Huy nhận chức chủ tịch với tâm thế bước ra khỏi chiếc bóng lớn của cha mình.

Sinh năm 1978 trong một gia đình có truyền thống làm ngân hàng, Trần Hùng Huy lâu nay được giới tài chính xếp vào dạng con nhà nòi.

Ông Trần Mộng Hùng bố Huy là banker kỳ cựu, một trong những nhà sáng lập ACB và được ví như linh hồn của ngân hàng.

Mẹ anh, bà Đặng Thu Thủy, cũng làm việc tại ACB từ khi nhà băng mới thành lập và nắm nhiều chức vụ quan trọng. Hiện tại, bà Thủy giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB.

Bản thân Trần Hùng Huy được đào tạo bài bản và gắn bó với nghề ngân hàng chục năm nay. Anh tốt nghiệp cử nhân 3 chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000.

2 năm sau, anh nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Chapman, bang California (Mỹ). Đến năm 33 tuổi, Trần Hùng Huy lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Golden Gate, Mỹ.

Con trai nhà sáng lập Trần Mộng Hùng khởi nghiệp với vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường tại chính ACB từ năm 2002.

Hai năm sau, anh lên làm Giám đốc Marketing của ACB. Ở tuổi 30, anh đã là thành viên HĐQT và tiếp tục trở thành Phó Tổng Giám đốc ngân hàng lúc bước sang tuổi 32.

Trong danh mục tài sản, Trần Hùng Huy cùng những người thân trong gia đình cũng nắm giữ lượng lớn cổ phần Ngân hàng ACB.

Trong đó, Hùng Huy nắm cổ phần nhiều hơn cả ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy.

Các thành viên còn lại trong gia đình Trần Hùng Huy cũng sở hữu nhiều cổ phiếu của ACB như: chị gái Trần Đặng Thu Thảo, chú Trần Phú Mỹ, cô Trần Tuyết Nga.

Khi thị trường chứng khoán ở đỉnh cao năm 2007, cũng là lúc giá trị cổ phiếu ACB mà Hùng Huy cùng gia đình nắm giữ lên đến gần 4.700 tỷ đồng, tăng gần gấp 2,5 lần năm liền trước.

Riêng số cổ phiếu do anh đứng tên năm đó có giá gần 1.370 tỷ đồng, còn của cha Trần Mộng Hùng là 1.130 tỷ đồng.

Theo một lãnh đạo của ACB, kể từ khi sở hữu cổ phiếu ACB đến nay, Trần Hùng Huy chưa từng mua thêm hay bán bớt.

Do thị trường biến động, tài sản của anh trên sàn chứng khoán giảm xuống còn gần 500 tỷ vào năm 2008.

Từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2011, tổng tài sản của Trần Hùng Huy trên sàn chứng khoán giảm từ 750 tỷ xuống còn khoảng 620 tỷ đồng.

Năm 2014, Trần Hùng Huy là người giàu thứ 2 trong ngành ngân hàng khi nắm giữ khối tài sản hơn 443 tỷ đồng.

Đại gia trẻ ngành ngân hàng này được biết đến là nhân vật ít tuổi nhất tại ACB giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng ACB.

 - Ảnh 1
Chủ tịch Trần Hung Huy cùng nhân viên ngân hàng ACB.

Thoát khỏi bóng cha, đưa ACB vượt ra "tâm bão"

Chàng trai trẻ Trần Hùng Huy được được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB ngày 18/9/2012 – thời điểm chưa đầy 1 tháng sau khi bầu Kiên bị bắt.

Tuy là "con nhà nòi" nhưng khởi nghiệp của ông Huy không phải là thiếu gia "một phút lên sếp". Khi mới bước chân vào ACB, chỉ là một “nhân viên quèn” của bộ phận nghiên cứu thị trường.

Sau 2 năm làm việc, ông Huy được bổ nhiệm chức vụ giám đốc marketing của ACB.

Sau khi kinh qua các vị trí thành viên hội đồng quản trị và Phó Tổng Giám đốc ACB, ngày 18/9/2012, ông Huy đã có được vị trí cao nhất Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB.

Ông Huy giữ vị trí lãnh đạo đúng vào lúc ngân hàng rơi vào thời kỳ sóng gió nhất công thêm là thành viên trẻ tuổi nhất ACB gây ra không ít lời đồn về chú ngựa "con nhà nòi" này.

Chuyện "cha truyền con nối" hay "con vua lại làm vua" là những lời bàn tán khó tránh nhưng theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc ACB, đó là một trong những lý do khiến Trần Hùng Huy được lựa chọn.

Đồng thời ông cũng khẳng định: "Huy rất được".

Khó khăn đối với vị lãnh đạo trẻ là vô cùng lớn khi chèo lái con thuyền ACB trong bối cảnh scandal bầu Kiên khiến thị trường tài chính chao đảo.

Tình hình kinh trong nước và thế giới càng khiến khó khăn chồng chất khó khăn.

Tuy nhiên, ông Huy đã làm được những bước đầu tiên, đem về những chỉ số thuận lợi cho ACB. Giảm bớt số nợ khổng lồ là việc mà nhà lãnh đạo trẻ này đã làm được.

Cụ thể, trong quý 4/2012, quý đầu của “nhiệm kỳ” con số lỗ 520,7 tỷ đồng quý 3/2012 xuống 158,6 tỷ đồng.

Sang năm 2013, hoạt động kinh doanh được cải thiện khi lợi nhuận sau thuế quý 1,2 và 3/2013 lần lượt đạt 307 tỷ đồng, 409,7 tỷ đồng và 400,8 tỷ đồng.

Hai quý cuối năm 2012, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng mang về cho ACB những khoản lỗ “khủng” lên tới trăm tỷ, thậm chí cả ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang quý 2/2013, hoạt động này thoát lỗ và bước đầu đem lại lợi nhuận dù khiêm tốn.

Để có được sự cải thiện về lợi nhuận, ông Huy đã phải cắt lương thưởng, giảm nhân sự khiến ACB thường xuyên lọt vào top các ngân hàng cắt giảm nhân sự nhiều nhất.

Mới đây nhất, cuối tháng 6/2014, ACB được Fitch nâng triển vọng tín nhiệm từ "tiêu cực" lên "ổn định" sau khi tổ chức này cho rằng, những sức ép từ rủi ro phát sinh tại ACB sau vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) lên hệ thống tài chính đã giảm thiểu.

Fitch giải thích: "ACB đã rất nỗ lực và vẫn tiếp tục xử lý các vấn đề. Lợi nhuận năm 2013 cũng tăng nhẹ khi ngân hàng rà soát lại bảng cân đối kế toán và tìm cách tiết giảm chi phí hoạt động.

Tỷ lệ tiền gửi tăng trưởng khoảng 10% và ngân hàng vẫn tuân thủ việc duy trì tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) khoảng 78%".

Những số liệu này không chỉ cho thấy tín hiệu đáng mừng cho ACB mà còn chứng tỏ được rằng "chú ngựa thiện chiến" Trần Huy Hùng đã thoát ra được chiếc bóng lớn của cha mình và chèo lái con thuyền ACB ra khỏi "tâm bão".

Ông Huy luôn tin tưởng ACB sẽ trở lại nhóm ngân hàng dẫn đầu.

“Làm con sếp sướng lắm”

Nói về áp lực khi làm con sếp, đại gia ngân hàng Trần Mộng Huy bày tỏ: “Bản thân tôi thấy không có gì phải áp lực cả, ngược lại rất sướng.

Vì là con sếp, tôi có thể được chọn những vị trí công việc khác nhau theo sở thích và sở trường tại công ty.

Hơn nữa, cái đáng quý nhất với tôi chính là ba mẹ không hề can thiệp vào công việc mà để mình tự lực.

Thực ra, vị trí đầu tiên tôi vào ACB làm khi vừa ở Mỹ về là nhân viên bán hàng và ngay cả ba mẹ cũng không biết.

Lúc đó rất tình cờ, ACB có tuyển dụng, Huy nộp đơn và trúng tuyển. Ngày đầu tiên đi làm, do đi chung xe với ba mẹ nên lúc đó mọi người mới biết là tôi làm ở ACB.

Sau một thời gian làm việc và phần nào chứng tỏ được năng lực của mình, tôi mới tận dụng cơ hội con sếp, bắt đầu đề xuất là muốn làm ở những vị trí này, hay vị trí kia.

Nhờ đó, tôi đã được trải qua rất nhiều vai trò khác nhau và học được không ít kinh nghiệm tại ACB.

Chia sẻ về bí quyết dung hòa mối quan hệ với các tiền bối, sếp ngân hàng ACB chia sẻ: “Tôi quan niệm rằng, để vượt qua cái bóng của các bậc tiền bối là rất khó, nên mình sẽ chọn cách đứng trên vai họ thì khi đó, chắc chắn sẽ tạo ra cái bóng lớn hơn.

Nhưng làm thế nào để những người này cho mình đứng trên vai họ thực sự là điều không dễ.

Cái may đối với tôi là trước đây từng trải qua nhiều vị trí công việc và được làm cấp dưới của các bậc tiền bối này nên cũng phần nào hiểu nhau.

Đa phần những người đi trước này, họ cảm thấy tự hào vì là người đã từng đào tạo Huy nên luôn muốn hỗ trợ học trò của mình sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

Điều đó có nghĩa là, tôi không phải vượt qua cái bóng của họ mà là được đứng trên vai họ để tạo ra cái bóng lớn hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại