Gần đây dư luận không khỏi xôn xao khi một đại gia Hà Thành đã dùng 140 cây vàng để dát nhà vệ sinh. Được biết vị đại gia đó chính là ông Đường “bia” – một đại gia “máu mặt” trong làng BĐS.
Ông Đường “bia”’ tên thật là Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty Hoà Bình (Hà Nội).
Ông cũng chính là vị đại gia đã cho dát vàng thành lan can căn hộ, phào chỉ ở sảnh và cửa thang máy ở dự án chung cư 6 sao tại Hà Nội và khẳng định đây là một “kiệt tác vượt thời gian".
Chủ doanh nghiệp phải lao tâm khổ tứ mới hy vọng xây dựng cho mình được một thương hiệu. Nhưng với ông Nguyễn Hữu Đường – Tổng Giám đốc Công ty Hòa Bình thì lại khác.
Các doanh nghiệp đối tác và khách hàng phong cho ông ba danh hiệu rất dân dã trong cách giao tiếp, nhưng cũng thật hoàn hảo và thuyết phục đó là: Ông Đường bia, Đường malt, Đường tháp đôi.
Từ đạp xích lô chở bia thuê
Người Hà Nội gọi ông là ông Đường bia. Nhưng tuổi thơ và cả một quãng đời trai trẻ của ông không vàng sóng sánh, không dậy mùi thơm quyến rũ như bia!
Đến tận bây giờ khi ông đã là người nổi tiếng: nổi tiếng về sự giàu có, nổi tiếng về cái tâm, cái đức.
Gia đình ông yên ấm, con cái ngoan, học hành thành đạt. Tổ ấm như vậy không phải dễ dàng có được ở những nhà doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế thị trường!
Nhưng trên khuôn mặt ông, cặp mắt đen vẫn thoáng một chút buồn. Có người nói đó là nét buồn của người đa cảm.
Còn những người trong gia đình và bạn bè trang lứa, họ hiểu ông: Một cậu bé Hà Nội thiệt thòi về sự học và tình cảm. Ông không có cơ hội học lên để vào giảng đường đại học.
Năm 1975, nhập ngũ, năm 1979, ông ra quân và buôn bán nhì nhằng để kiếm sống. Năm 1991, ông may mắn xin được làm một chân đạp xích lô chở bia thuê.
Mười năm chở bia thuê cho Công ty Bia Hà Nội, vất vả nhưng ông cũng đã kiếm được một khoản tiền. Người ta gọi ông là Đường bia từ những tháng năm khốn khó đó.
Đó cũng là những tháng năm ông học mót được kinh nghiệm làm bia để rồi vào năm 1989, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Hà Nội sản xuất bia.
Có được 450 m2 đất ở đường Hoàng Hoa Thám – Hà Nội để xây xưởng. Thiếu tiền thì ông huy động ở anh em, bạn bè.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi hành nghề, hầu như ông Đường đã “bao thầu” phân phối bia, bởi đơn giản một điều, bia ông cung cấp ngon hơn tất cả. Bí quyết đơn giản ở một chữ tín.
Thông thường, mỗi lần súc rửa xong trong bom bia thường còn khoảng 2,3 lít nước lã, người cung cấp bia không đổ hết mà bơm bia vào rồi mang đi bán, vì vậy mà bia nhạt, nhanh chua.
Còn ông thì khác, bom bia được súc sạch, đổ hết nước lã, nên bia ngon, thơm lâu. Nhờ chất lượng và uy tín nên các cửa hàng, đại lý đều nhập bia của ông Đường.
Có ngày, ông kiếm được 5 chỉ vàng từ phân phối bia.
Đến đại gia bất động sản có "máu mặt"
Năm ngoái, giới bất động sản Hà Nội xôn xao khi ông Đường Bia cho dát vàng thành lan can căn hộ, phào chỉ ở sảnh và cửa thang máy ở dự án Hoà Bình Green City.
Lúc đó, không ít người nghĩ đây chỉ là chiêu đánh bóng tên tuổi, nhưng ông Đường làm thật dù chi phí cho dát vàng thành lan can của mỗi căn hộ tốn thêm 20 triệu đồng và người mua nhà lại không phải trả tiền.
Nhưng đại gia vốn nổi tiếng về kinh doanh bia hơi còn khiến mọi người sốc hơn khi quyết định dát vàng cho cả … nhà vệ sinh của tất cả các căn hộ của toà nhà thứ 2 thuộc tổ hợp này.
Theo đó, những chỗ nào làm bằng kim loại trong nhà vệ sinh như vòi nước, nút ấn, thanh treo đều được mạ vàng.
Công trình của đại gia Nguyễn Hữu Đường được dát vàng 18k và 24k cho thành lan can, toàn bộ cửa thang máy, sảnh tầng 1. Đây là điều đặc biệt lần đầu tiên có ở hệ thống chung cư cao cấp tại Việt Nam.
Lúc bắt đầu xây dựng Hòa Bình Green City trên đường Minh Khai (Hà Nội), ông Đường không cam kết mạ vàng lan can căn hộ, thang máy tòa nhà.
Nhưng với mong muốn biến Hòa Bình Green City trở thành một “kiệt tác vượt thời gian” với các căn hộ đạt tiêu chuẩn 6 sao, nên ông đã quyết định điều đó.
Mạ mỗi mét dài tốn 1 chỉ vàng và nếu tính bình quân mỗi căn hộ có 5m lan can, thì chủ đầu tư tốn thêm hơn 20 triệu đồng.
Không chỉ lan can, mà toàn bộ cửa thang máy, các phào của sảnh tầng 1 cũng đều được dát vàng. Điều đáng nói là, khách hàng không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào, toàn bộ đều do ông Đường chi trả.
Ít ai biết rằng, đây là dự án thứ hai mà ông Đường mạ vàng. Năm 2003, Công ty TNHH Hòa Bình (Hoabinh Group) triển khai dự án bất động sản đầu tay là Tháp đôi Hoà Bình trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Đường đã quy hoạch dự án này trở thành trung tâm thương mại với hệ thống văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Trước đó, trong chuyến đi Mỹ, khi tới Tòa tháp Empire State cao nhất New York, ông Đường mê mẩn những cánh cửa mạ vàng tại đây và quyết định trang hoàng như vậy cho tòa tháp của mình.
Đây cũng là chi tiết mà ông thổ lộ với một số khách hàng khi quảng bá dự án và cam kết với đối tác khai thác dự án .
Nhưng khi bắt tay vào làm, ông mới ngã ngửa ra rằng, ở Đông Nam Á chưa hề có nước nào mạ nguyên cả bộ cửa nặng hàng tạ.
Lúc đó, Hoà Bình nhập thang máy Mitsubishi của Nhật Bản, nhưng hãng này không có công nghệ mạ vàng cho thang máy và ở Việt Nam cũng không kiếm đâu ra xưởng mạ vàng cho thang máy.
Có người khuyên ông: “Hay mạ bằng titan vừa sang vừa rẻ”, nhưng ông hỏi lại: “Nếu có người hỏi tôi rằng, ông bảo cửa của ông bằng vàng, thế vàng đâu, thì tôi sẽ trả lời thế nào. Tôi không quen nói dối!”.
Để triển khai kế hoạch ông đã đưa ra quyết định táo bạo hơn nữa. Ông Đường đã lập kế hoạnh và đầu tư thêm một chi phí khá lớn, lập riêng một xưởng mạ vàng cho Hòa Bình Green City để tiện chuẩn bị xây dựng cho công trình hoàn thành đúng với tiến độ.
Sau bao nhiêu cố gắng và nổ lực công trình dát vàng của ông đã được hoàn thành, những lời ra tiếng vào về ông đã được xóa hết.
Không chỉ nổi với nghiện dát vàng, ông Đường bia còn được biết đến với những quyết định khá sốc.
Mới đây, ông Đường còn quyết định đối đầu trực tiếp với những người khổng lồ như Coca Cola và Pepsi khi quyết định đầu tư một nhà máy sản xuất bia và nước ngọt, trong đó có cả nước ngọt có gas, một lãnh địa riêng của các công ty nước ngoài mà chưa có đối thủ trong nước nào dám nhòm ngó.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường
1989: Thành lập Nhà máy sản xuất bia hơi và nước giải khát có gas tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
1993: Thành lập Nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ thực phẩm, nhà máy đầu tiên của Việt Nam sản xuất các thiết bị cho ngành công nghiệp thực phẩm thay thế nhập khẩu.
1995: Công ty TNHH Hoà Bình cùng với Hãng Elite Wines & Spirits thành lập liên doanh rượu Việt -Pháp.
1998: Xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bia hiện đại, tự động hóa hoàn toàn theo tiêu chuẩn châu Âu.
2002: Thành lập Công ty Đường Man với dây chuyền chế biến Man đồng bộ của công ty Lausmann (Đức).
2006: Đưa Tháp đôi quốc tế Hòa Bình (Somerset Hòa Bình) một trong những cao ốc 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động và khai trương khách sạn Hòa Bình Palace.
2008: Khởi công xây dựng chung cư Hòa Bình và năm 2010 đưa Khu căn hộ Hòa Bình Green Apartment và bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng.
2010: Xây dựng Nhà máy cán Inox.
2011: Khởi công xây dựng Chung cư Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai, Hà Nội và đã bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 7/2014.