Tỷ phú chơi ngông
Năm 2014, giới chơi đồ cổ thế giới xôn xao khi ông Khiêm đã trở thành chủ nhân của chiếc chén cổ có niên đại hàng trăm năm từ nhà đấu giá Sotheby’s ở Hong Kong. Chiếc chén cổ đã lập kỷ lục đấu giá thế giới cho đồ sứ Trung Quốc.
Sự việc gây chú ý dư luận không chỉ vì giá trị của đồ cổ mà còn ở thú chơi ngông của người sở hữu nó. Ông Khiêm đã sung sướng ngồi thưởng trà bằng chiếc chén này.
“Tôi chỉ muốn thể hiện sự phấn khích của mình vào lúc đó. Chiếc chén này có bề dày lịch sử, vì vậy khi trở thành chủ sở hữu của nó, tôi muốn rót ngay trà vào đó và uống mà không cần rửa chén”, ông nói.
Bức ảnh chụp ông Khiêm uống trà bằng chiếc chén đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng.
Trong khi nhiều người đồng ý rằng, vì đã bỏ tiền mua chiếc ly nên ông Liu là chủ sở hữu và có quyền sử dụng nó theo ý thích, thì những người khác lại không nghĩ như vậy.
Họ cho rằng ông Khiêm đã lãng phí số tiền có thể được dùng để giúp những người kém may mắn hơn.
Theo giới chuyên gia đồ cổ, chén gà là một trong những món đồ sứ cổ Trung Quốc được săn đuổi gắt gao nhất thế giới, tương tự kiệt tác quả trứng vàng Phục sinh do hãng Faberge chế tác.
Chính vì thế, mỗi khi chiếc chén này được đem ra đấu giá thì giá cả những sản phẩm nghệ thuật Trung Quốc lại được nâng cao.
Chiếc chén gà trong lần đấu giá gần đây nhất, năm 1999, được bán với giá 3,7 triệu USD.
Trong lịch sử các cuộc đấu giá của Sotheby, Lưu Ích Khiêm luôn được ngồi vào hàng ghế VIP bởi độ chịu chi của mình.
Đầu năm 2015, ông Khiêm đã chi 14,71 triệu USD cho một chiếc bình cổ. Năm ngoái, ông đã trả 45 triệu USD mua một tranh thảm Tây Tạng 600 tuổi mà Nhà đấu giá Christie’s phát hiện trong một bộ sưu tập ở Mỹ.
Năm 2013, ông Khiêm đã bỏ ra 8,2 triệu USD để mua một bức thư pháp thời nhà Tống (960-1279) từ nhà đấu giá Sotherby’s ở New York.
Trước đó, ông đã chi ra khoảng 11 triệu USD để mua một cái ngai vàng thời nhà Thanh có chạm khắc hình rồng.
Gần đây nhất, tay chơi này đã khiến giới chơi nghệ thuật một lần nữa xôn xao khi mua lại bức họa “Khỏa thân nằm tựa” với giá “sốc” 4.000 tỷ đồng.
Hiện tại, bức tranh này có giá đắt thứ hai trong lịch sử đấu giá các tác phẩm mỹ thuật, chỉ đứng sau bức “Những người phụ nữ Algiers” của Picasso.
Phất lên nhờ chứng khoán
Sinh ra năm 1963 trong một gia đình tầng lớp công nhân ở Thượng Hải, tay chơi khét tiếng này bỏ học ở tuổi 14 để giúp mẹ kinh doanh túi xách. Nhờ vào tài kinh doanh của mình, ông đã giảm giá để bán hàng chạy hơn so với các đối thủ khác.
Và ông đã trở thành một người "10.000 nhân dân tệ" ở tuổi 17.
Năm 27 tuổi, ông phất lên nhanh chóng nhờ kinh doanh chứng khoán. Giá trị các cổ phiếu và chi phí 100 nhân dân tệ trong vòng một năm tăng lên đến 10.000 nhân dân tệ.
Cuối cùng, ông đã bán cổ phần của mình để thu về hơn 2 triệu nhân dân tệ. Khối tài sản ngày càng tăng nhờ các phi vụ lướt sóng cổ phiếu của các ngành công nghiệp.
Với số tài sản hiện tại vào khoảng hơn 33.860 tỷ đồng, Lưu Ích Khiêm được tạp chí tài chính kinh doanh Forbes xếp vào hàng những nhân vật siêu giàu mới nổi ở Trung Quốc.
Bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg 2015 cho hay tài sản của ông trị giá ít nhất 1,5 tỷ USD.
Từ một người không biết gì, ông Khiêm đã bước chân vào giới chơi đồ cổ và nghệ thuật.
Ông thừa nhận rằng mình không có kiến thức chuyên môn về cổ vật, nhưng ưu điểm là nhiều tiền, nên ông luôn phát huy ưu điểm đó.
Ông là một trong những người thuộc tầng lớp siêu giàu của Trung Quốc đi khắp thế giới tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật quý giá.
Nhiều năm qua, vợ chồng ông đã gây dựng được một bộ sưu tập lớn các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và đương đại của Trung Quốc.
Hiện, họ là chủ hai bảo tàng tư nhân có giá trị hàng triệu USD tại Thượng Hải.
Ông từng chia sẻ, bản thân ông đang tự xác định cho mình một sứ mệnh, đó là đưa những món đồ nghệ thuật cổ xưa của Trung Quốc về với quê hương bằng việc sẽ tham gia vào những cuộc đấu giá mỗi khi thấy có một hiện vật quý xuất hiện trên thị trường.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch trưng bày nó nhân kỷ niệm 5 năm thành lập bảo tàng.
Đây sẽ là cơ hội tốt để những người yêu hội họa Trung Quốc chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đẹp mà không phải đi xa, đó cũng là một trong những động lực chính khiến chúng tôi thành lập các bảo tàng", ông nói.