Tết đến sắp đến, nợ còn đó, nỗi lo có được chút ít để trang trải nợ nần, có được tấm áo mới, bữa ăn ngon cho bọn trẻ đang đè nặng lên vai ông.
Lại thêm một năm Tết buồn đói với những người buôn cây cảnh.
Ngày xưa khi thị trường sôi động, nợ nần người ta nhìn vào cây đắt giá có thể cho nhau vay hàng trăm triệu để buôn bán nhưng giờ cây chẳng khác nào củi khô, con nợ không thèm siết.
Cứ thế, mấy chậu cây cứ ở xó vườn, chẳng ai chăm bón.
Từ đầu tháng chạp tới nay, anh Hòa (chủ vườn cây cảnh ở Hòa Lạc, Hà Nội) đều phải dậy sớm từ tờ mờ sáng, hì hục buộc cây lên chiếc xe máy để bắt đầu một ngày rong ruổi khắp nơi bán hàng.
Là một trong những người buôn cây có tiếng, nếu như trước đây người mua phải tới tận vườn để lựa chọn, đưa tiền thì nay mọi thứ đã thay đổi.
Anh Hòa từng một thời nhận cả sấp tiền, nay phải đi mòn mót từng đồng để trả nợ.
Bộ quần áo lấm lem vì bùn đất, khuôn mặt đã hốc hác vì phải ăn cơm bụi giữa trưa ở vỉa hè, anh Hòa kể:
“Mỗi ngày tôi đi cả tới trăm cây số, mỗi ngày đi một nơi cứ nơi nào có người mua là tới.
Giờ phải mang từng gốc cây đi bán mới thấy thấm cái nỗi khổ. Nợ nần chồng chất, đói thì chân phải bò thôi”.
Anh Hòa nhớ lại, Tết cách đây mấy năm khi thị trường cây cảnh “ăn nên làm ra”, mỗi cái Tết nhà anh lúc nào cũng sáng đèn cả đêm.
Người đi ra vào mua bán nườm nượp, nhiều gốc cây được đại gia trả cả tỷ bạc.
Nhưng cũng chỉ vài năm sau đó, công việc làm ăn lao dốc, đống cây trong nhà từ giá vài chục triệu giảm thê thảm, nợ nần cũng tăng dần. Bất đắc dĩ, anh phải mang cây đi bán.
“Có thời điểm, cả nhà không còn đồng tiền nào, con thì phải nộp tiền học, vợ thì ốm. Cây cối trong nhà nhìn chả thiết chăm”, anh chia sẻ.
Kể về việc đi bán dạo, anh cho hay, thời gian đầu cũng thấy ngại nên toàn phải đi rất xa để ít người biết tới.
Nhưng sau đó, anh cũng thành “chai mặt”, vì miếng cơm manh áo nên chẳng nề hà gì, cứ ở đâu có người mua là anh lại đi tới, vừa giới thiệu vừa tìm mối lớn bán cây.
“Ngày đầu mang cây đi, bán ở Linh Đàm, người xem nhiều nhưng họ nghi ngại về giá trị cây.
Vì cây để trong vườn có giá 10 triệu thì mang ra vỉa hè chỉ còn 5 triệu, họ mặc cả đủ kiểu.
Dù có xót nhưng không bán thì lại phải vất vả chở cây về nhà. Hôm nào mà còn nhiều cây, tối mò mới được về nhà”, anh cho biết thêm.
Ông Huynh, một đại gia cây cảnh một thời, nay đã “rửa tay gác kiếm”, tuy nhiên, tiếng tăm của ông vẫn còn nhiều người nhắc đến ở đất Nam Định.
Khu vườn triệu đô của ông nay chỉ còn vài ba cây sác sơ không ai muốn mua, bởi, số lượng cây có giá trị cao được ông bán dần với giá rẻ cũng không còn.
Số tiền ông thu về cũng không được nhiều.
Ông nhớ lại thời điểm cuối năm trước, khi đó ông cần phải trả nợ gấp, khách đến mua, họ ép giá, được giá ưng ý ông liền bán nhanh, bán hết.
Cảnh tượng mua bán, theo ông Huynh giống như chợ hoa ngày 30 tết.
“Năm nay, không còn được ngắm những siêu cân cảnh với giá tiền tỷ, không còn ngược xuôi khắp miền ngược cũng nhưu miền xuôi để tìm cây cảnh, song, đổi lại, tôi lại thanh thản bởi không phải lo tới nợ nần, không phải lo chuyện lỗ hay lãi, giờ thích ngắm cây, bình cây cảnh đẹp xấu có thể qua nhà bạn bè.
Do đó, sức khỏe cũng được cải thiện hơn thời gian đi buôn cây rất nhiều”, ông Huynh chia sẻ.