Cứu thị trường vốn bằng tinh thần "Điện Biên Phủ"!

Giảm lãi suất được coi là động thái tích cực và bạo tay nhằm “ cứu” thị trường vốn ngắn hạn, tức vốn tín dụng từ các ngân hàng.

Ngày 6/5, một động thái được coi là “bạo tay” của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt nam là hạ một loạt lãi suất huy động, lãi suất cho vay xuống tới mức được cho là thấp nhất trên thị trường vốn hiện nay.

Tại sao có động thái này ? Việc này sẽ tác động ra sao tới thị trường vốn và tới mục tiêu “cứu" doanh nghiệp mà hơn 2 năm qua Chính phủ đề ra và vẫn đang nỗ lực để thực hiện?

Xin nói ngay rằng, đây là động thái tích cực và bạo tay nhằm “ cứu” thị trường vốn ngắn hạn, tức vốn tín dụng từ các ngân hàng. Lý do phải “ cứu” thị trường này là từ đầu năm 2013 đến nay, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của ngành ngân hàng, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn hết sức ì ạch.

Cho đến hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng của cả nước mới tăng được 2,4 % trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm được đề ra từ cuối năm ngoái là 12 %.

Loại trừ yếu tố tập quán của giới kinh doanh nước ta là những tháng đầu năm thường hạn chế vay vốn, thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng này là quá trì trệ, nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động. Mặc dù  trần lãi suất huy động liên tục bị giảm xuống, nhưng dòng vốn chảy vào ngân hàng vẫn nhiều hơn dòng vốn chảy ra.

Điều này đặt lên vai các ngân hàng thương mại một áp lực rất lớn, nhất là với những ngân hàng lớn, có chỉ số tín nhiệm cao nên vẫn thu hút một lượng vốn huy động dồi dào - và đương nhiên vẫn phải trả lãi cho dân, trong khi không cho vay ra được.

Giải pháp tạm thời cho lượng vốn thừa là mua trái phiếu chính phủ cũng không khiến các ngân hàng thương mại có đủ niềm tin để yên tâm, vì sử dụng nguồn tiền huy động ngắn hạn để mua trái phiếu chính phủ thường có thời hạn 5 năm là rất mạo hiểm, nếu không đủ khả năng cân đối nguồn vốn từ huy động.

Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng đã áp dụng nhiều giải pháp khơi thông tín dụng, trong đó có biện pháp liên tiếp hạ lãi suất cho vay . Nếu như chỉ cách đây 6 tháng, Ngân hàng nhà nước phải “ kêu gọi” các NHTM hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống bình quân 13%/1 năm, thì nay, không cần kêu gọi, các NHTM cũng đã hạ về bình quân 11%/ 1 năm.

Cứu thị trường vốn bằng tinh thần "Điện Biên Phủ"!
 

Thế nhưng, dù mức hạ lãi suất là đáng kể, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng mới chỉ nhúc nhích tý chút. Chính vì thế, cần một cú hích bạo tay hơn, để “ cứu” thị trường vốn ngắn hạn đang bị bế tắc này.

Ngân hàng cổ phần thương mại Ngoại thương Việt Nam đã quyết định đi tiên phong trong việc này. Việc mạnh tay hạ lãi suất huy động, từ đó có cơ sở để hạ lãi suất cho vay xuống còn bình quân 10,5%, thậm chí có những đối tượng chỉ có 6%/1 năm, Vietcombank đã thực thi một cú hích mạnh với tinh thần quyết liệt nhằm tạo ra một hiệu ứng lan tỏa trên thị trường vốn ngắn hạn, thúc đẩy các NHTM khác tiếp tục mạnh tay hạ lãi suất cho vay.

Nếu không có một người tiên phong đi đầu, các NHTM vẫn mãi “ nhìn nhau ” để “ căn động thái ”, chắc chắn sẽ không tạo được thay đổi cơ bản trên thị trường vốn, và vì thế, cũng khó có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vietcombank tính toán rằng, khi lãi suất huy động giảm, người có tiền sẽ thấy không có lợi nhiều khi gửi tiết kiệm, sẽ có hai lựa chọn, hoặc dùng tiền đó cho tiêu dùng; hoặc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Cả hai việc đều có tác động khôi phục sản xuất, giúp dòng chảy vốn lưu thông điều hòa hơn, và dần hướng tới một dòng chảy tích cực. Đó cũng là mục đích của Chính phủ khi đề ra mục tiêu “ cứu” doanh nghiệp từ 2 năm qua.

Vấn đề còn lại là: lãi suất tín dụng giảm mạnh liệu đã đủ để doanh nghiệp lấy lại niềm tin và mạnh dạn vay vốn đầu tư , làm ăn trở lại ? Bởi cái vướng cơ bản của doanh nghiệp nước ta là sức cạnh tranh kém, sản phẩm tồn kho không bán được vì giá thành cao, mẫu mã không phong phú, sản xuất không theo nhu cầu của người tiêu dùng, lại bị cạnh tranh từ hàng nhập chính ngạch và nhập lậu, nên nay dù có lãi suất tín dụng rất thấp, cũng chưa dám làm ăn trở lại.

Như vậy, dù Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương đã “ xung kích “ trên mặt trận vốn , với tinh thần quyết liệt của Điện biên phủ năm xưa, để tạo sức bật mới cho thị trường vốn, nhưng nếu không có các giải pháp đồng bộ khác để tạo được động lực thực sự cho doanh nghiệp hồi phục, thì những nỗ lực “ chịu đau “ giảm lợi nhuận của các

NHTM sẽ như muối bỏ bể, và doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi. Vì vậy, sau động thái “ cứu” thị trường vốn, rất cần tiếp tục những hành động khác cũng với tinh thần Điện Biên Phủ để thực sự cứu được nền sản xuất nước ta đã bị ngưng trệ từ hơn 2 năm qua.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại