Chăm sóc khách hàng “tận răng”
Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) - một trong những nhà băng tại phía Nam nổi tiếng vì thường xuyên tổ chức khuyến mãi đã khiến giới tài chính “ngạc nhiên” vì tổ chức một hội nghị khách hàng rất hoành tráng tại TPHCM, với kinh phí tổ chức lên đến nhiều tỷ đồng.
Vài ngàn quan khách bao gồm đối tác và khách hàng thân thiết của Southern Bank đã được mời đến dự lễ, lãnh quà tặng trang trọng và được đích thân lãnh đạo các cấp của ngân hàng này “chăm sóc” tận tình. Cũng chính Southern Bank đang “âm thầm” chỉ đạo nhân viên các chi nhánh đến tận nhiều nhà khách hàng để trao lãi tiền gửi tiết kiệm và huy động tiền gửi từ dân cư.
Chị Đ.T.P.Thảo, công tác trong một doanh nghiệp quảng cáo trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (TPHCM) rất hài lòng khi Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Văn Thánh chỉ sau 10 phút khách hàng có yêu cầu mở thẻ tín dụng (Credit Card) đã được chuyên viên ngân hàng đến tận công ty, mang theo giấy tờ để hướng dẫn chu đáo.
“Trước đây, tôi thường nghĩ thủ tục ngân hàng rất nhiêu khê, không ngờ sự thật lại khác xa như vậy !” chị Thảo nói. Tổng Giám đốc Nam A Bank Đặng Ngô Phúc Vũ chia sẻ về việc ngân hàng đang tự hoàn thiện và triển khai hàng loạt sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng nhiều hơn.
Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - một nơi có truyền thống chăm sóc khách hàng chu đáo thì liên tục đẩy mạnh truyền thông các gói sản phẩm mới, mở thẻ ngân hàng dành riêng người sử dụng xe ôtô, chú trọng phát triển đường dây nóng với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp giải đáp tận tình thắc mắc từng khách hàng.
Tổng Giám đốc Sacombank Phan Huy Khang còn khẳng định, ngân hàng vẫn áp dụng chính sách cho vay vốn đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh thành trong cả nước, lãi suất rất ưu đãi và hấp dẫn. “Sacombank có nguồn lực bền vững và chúng tôi cảm thấy rất tự tin trong giai đoạn kinh tế hiện nay” - ông Phan Huy Khang chia sẻ.
Đó là chưa kể đến Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tại hầu hết điểm giao dịch đều hoàn tất bố trí máy đọc vân tay. Khách hàng đăng ký dấu vân tay có thể dễ dàng giao dịch thanh toán, rút tiền mà không cần phải viết chứng từ, chỉ cần một chữ ký và chứng minh nhân dân xuất trình là đã có thể hoàn tất giao dịch.
Thay đổi hệ thống nhận diện và tái cấu trúc
Không chỉ áp dụng chính sách kinh doanh chăm sóc khách hàng tận tình, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng đang “lặng lẽ” tiến hành tái cấu trúc toàn diện khiến cuộc “chạy đua” ngày càng sôi nổi. Cụ thể mới đây, Ngân hàng Indovina (Indovina Bank) - một liên doanh giữa Ngân hàng CathayUnited - CUB (Tập đoàn tài chính của Đài Loan, Trung Quốc) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietTinBank) đã thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu, chuyển trụ sở chính về một tòa nhà mới lớn gấp đôi trụ sở cũ. Ngân hàng cũng bắt đầu tuyển dụng thêm nhân sự, chuyên nghiệp hóa các bộ phận theo hướng chăm sóc mạnh mẽ khách hàng doanh nghiệp.
Cạnh tranh cùng Indovina Bank, Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank) mới tuần rồi cũng rầm rộ công bố đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (Vietnam Construction Bank). Ngân hàng này không chỉ đơn thuần chuyển đổi trở thành ngân hàng chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng mà còn tự tin công bố kế hoạch tăng vốn dự kiến đạt 7.500 tỷ đồng trong năm 2013, tăng tổng tài sản dự kiến đạt 42.000 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TPHCM (HDBank), mới đây, bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, đã có kế hoạch sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank).
Vị doanh nhân từng làm lãnh đạo trong Bộ Tài chính này khẳng định chủ trương sáp nhập, hợp nhất đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận và đôi bên đang hoàn tất thủ tục hành chính. Nếu thành công, ngân hàng sau này sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn bởi HDBank có nhiều thế mạnh vì tổng tài sản lớn nhờ các cổ đông mạnh trong ngành bất động sản.
Trở lại với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – ngân hàng đầu tiên hợp nhất từ 3 ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) - Việt Nam Tín Nghĩa (Vietnam Tin Nghia Bank) - Sài Gòn (SCB) thì quá trình tái cấu trúc theo phương thức riêng đang tạo hiệu quả thiết thực: Ngân hàng đã hoàn trả toàn bộ khoản vay hỗ trợ từ BIDV, bao gồm 2.464 tỷ đồng nợ gốc và 179 tỷ đồng nợ lãi, mua vào gần 64.000 lượng vàng trong năm qua. Hiện tại, SCB đang thực hiện chủ trương chuyển dời nhiều đơn vị trực thuộc về trụ sở chính để làm việc theo hướng tập trung nguồn lực. Một số tài sản có dôi dư sẽ được ưu tiên cho thuê nhằm gia tăng nguồn vốn tái đầu tư cho ngân hàng.
Quy luật sinh tồn quả là khắc nghiệt, trong cuộc “đua ngầm” này, chắc chắn sẽ có nhiều ngân hàng phải “rời bỏ cuộc chơi” và bị thâu tóm, sáp nhập vì nguồn lực yếu hay hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Điều đó chưa hẳn đã là tiêu cực, vì trong tương lai gần sẽ có nhiều ngân hàng mạnh lên về nhiều mặt sau khi vượt qua quá trình tự đào thải, tạo nên một thị trường tài chính lành mạnh, bền vững hơn. Người có lợi trước mắt chính là khách hàng.