Cung cầu chưa gặp nhau
Có thể nói, hàng loạt ngân hàng đang “nhìn nhau” để giảm lãi suất cho vay nhằm đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng cuối năm. Mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm rất nhanh, thậm chí đã về mức của những năm 2006-2007. Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hồi tháng 9, cơ quan này nhận xét các khoản vay chịu lãi suất cao đã giảm rất mạnh, chỉ còn khoảng 17% các khoản vay chịu lãi suất từ 13-15% và 8% các món nợ phải chịu lãi suất trên 15%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay hiện nay chỉ vào khoảng 11,5%; trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước ở mức 9-10,5%/năm và ngân hàng TMCP từ 9,5-11,5%/năm. Với các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả có thể được các ngân hàng cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.
Trong khi đó, do môi trường kinh tế cải thiện, đã thúc đẩy sản lượng và đơn đặt hàng mới của các DN tăng liên tiếp trong hai tháng 9 và 10 vừa qua. Theo HSBC, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) các ngành sản xuất tại Việt Nam tháng 10/2013 vẫn duy trì mức 51,5 điểm như tháng 9. Lượng đơn hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất trong lịch sử khảo sát. Các dự báo cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Ngân hàng mong muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu về vốn của các DN cũng đang tăng, vậy nhưng cung cầu vẫn không thể gặp nhau.
Các DN cho biết việc tiếp cận vốn thời điểm này vẫn rất khó khăn. Với những khoản vay lãi suất thấp, không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được bởi điều kiện rất khắt khe, đa phần không đáp ứng được.
Theo ông Nguyễn Duy Chiến, Giám đốc Công ty TNHH An Lập (Hà Nội), để có thể vay được vốn rẻ, cách dễ nhất là phải có tài sản thế chấp. Thế nhưng, tài sản thế chấp hiện thường được ngân hàng định giá quá thấp so với giá thị trường, nên DN không thể chấp nhận. Hơn nữa, nếu có vay (do tài sản bị định giá thấp) thì số tiền cũng không được nhiều, không đủ nhu cầu.
Ở chiều hướng khác, các DN có thể vay được với mức lãi suất trên 13% nhưng như vậy lại quá cao. Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Việt Đức, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói rằng DN ông có thể vay vốn với lãi suất 13% khá dễ dàng, song tính ra làm không đủ trả lãi.
Bên cạnh đó, một số DN cần vay vốn trung, dài hạn để phát triển sản xuất nhưng cũng rất khó tiếp cận. Ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty Cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho hay, để đẩy nhanh tốc độ sản xuất, lắp ráp theo chiến lược nội địa hóa ô tô đã được Chính phủ phê duyệt, Vinaxuki đang đang rất cần vốn lại không được hỗ trợ. Lý do: ngân hàng không “thích” làm ngược lại những gì mà từ trước đến nay họ thường làm.
“Từ trước tới nay, ngành ô tô thường chỉ nhập thiết bị, phụ tùng về lắp ráp, ngân hàng có giấy tờ nhập khẩu để ‘nắm đằng chuôi’. Còn khi DN vay vốn để thực hiện sản xuất, lắp ráp ô tô 100% nội địa thì ngân hàng lại không tin tưởng”, ông Huyên nói. Mặc dù ông đã từng mời các giám đốc ngân hàng đến thăm quy trình sản xuất và khả năng thực hiện nội địa hóa ô tô của Vinaxuki, nhưng chưa ai đến.
Hiện các ngân hàng mới chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, còn trung và dài hạn đang ở mức 11-13%/năm. Tuy nhiên, mức này cũng khó vì để tiếp cận được, DN thường phải chịu lãi suất cao hơn là 14-15%, lại bị xét duyệt khắt khe - theo một DN xây dựng tại Đà Nẵng.
Phía ngân hàng cho rằng, có thể hạ lãi suất cho vay, nhưng không thể hạ tiêu chuẩn, trong khi phần lớn DN không đáp ứng được các tiêu chuẩn để vay. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu là tốt, nhưng không phải vì thế mà bất chấp để cho vay. Đại diện Ngân hàng Phát triển ĐBSCL (MHB) cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,4% vào tháng 9 nhưng MHB vẫn không dám tăng trưởng nóng để tránh vòng luẩn quẩn nợ xấu.
Tăng trưởng tín dụng không đạt
Báo cáo Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2013 đạt 7,89%, có cơ sở để cả năm đạt khoảng 11-12%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về con số này. Trước đó, theo thông cáo báo chí tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, tính đến ngày 23/10/2013, tăng trưởng tín dụng mới chỉ ước tăng 6,48% so với cuối năm 2012. Còn theo một con số khác được đại biểu Quốc hội đề cập đến sáng 5/11 là khoảng 6,8% tính đến cuối tháng 10.
Tuy nhiên, cho dù đạt mức tăng trưởng 7,89% thì để đạt kế hoạch cả năm 12%, 2 tháng còn lại đòi hỏi phải tăng tín dụng bình quân 2%/tháng, tương đương 66.000 tỷ đồng; nếu mốc 11% thì tăng trưởng cũng phải đạt 1,5%/tháng, tương đương với 46.500 tỷ đồng - đây là điều khó đối với các tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện nay.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, khẳng định năm 2013 không thể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Nguyên nhân cũng chính vì những lý do trên. Có những ngân hàng hiện không hề có dư nợ tín dụng với các khách hàng mới.
Thậm chí, có nhà băng chỉ cho vay khi thấy thật chắc chắn, do vậy tình trạng ứ vốn là điều không thể tránh khỏi. Hiện tượng này gây khó không chỉ cho các ngân hàng mà còn cho cả nền kinh tế.